Trong nước

Bộ trưởng Y tế: Xâm hại tình dục, nát gia đình vì...nhậu

Rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn gây ra nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng như xâm hại tình dục, tai nạn giao thông...

Ngày 24/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội (Quốc hội khóa XIV) đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 12 kéo dài 3 ngày (24/4 - 26/4) tại TP.HCM. Trong phiên khai mạc, Ủy ban đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong đã có báo cáo tóm tắt dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với nhiều nội dung thay đổi so với dự thảo ban đầu của đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo là Bộ Y tế.

Nhiều đại biểu cho rằng, các điều luật chưa thể hiện hết mong muốn của người làm luật, cần lấy ý kiến sâu rộng và làm cẩn trọng, làm rõ các quy định còn mang tính chung chung.

Thậm chí, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phải yêu cầu các đại biểu khi phát biểu đề nghị cho cả ý kiến là dự thảo là có đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua trong kỳ tới không?

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Dân trí

Tuy nhiên, là đơn vị soạn thảo dự thảo luật này, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, cho rằng hiện nay phòng chống rượu bia đã quá cấp thiết, và luật này cũng đã dời 1 lần rồi, không lẽ dời lại lần 2?

Bà Tiến cho rằng: “Rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe, là tác nhân hàng đầu gây tử vong trong nhóm các bệnh tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, tâm thần... mà nó còn gây ra nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng. Các ca nhập viện vì đánh nhau ngày tết hầu hết là do nhậu. Rồi gần đây nhất là xâm hại tình dục, thủ phạm đều kể là vừa uống 1 ly bia nên không kiểm soát được. Rồi tai nạn giao thông vì say, không kiểm soát được tay lái… Nhiều gia đình tan nát chỉ vì nhậu!”.

“Điều quan trọng nhất là rượu bia tác động đến thần kinh trung ương, khiến người dùng nó không kiểm soát được hành vi. Bình thường cũng văn minh, lịch sự lắm, nhưng rượu bia vào là khác. Rồi dẫn đến bạo lực gia đình, đánh nhau gây thương tích, giết người, gây tai nạn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em...”, báo Dân trí dẫn lời bà Tiến nói thêm.

Trước đó, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc dự thảo quy định không quảng cáo rượu, bia trong khung thời gian từ 19 - 21 giờ trên các báo hình, báo nói nhưng hiện nay, bóng đá thế giới quảng cáo bia, rượu ngay trên áo các cầu thủ rất nhiều.

Bên cạnh đó, đề xuất quy định cấm sản xuất rượu thủ công, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhận xét: "Nhiều loại rượu thủ công với bí quyết gia truyền có chất lượng rất ngon. Hay gà đồi, gà chạy bộ... ngon lắm, ai cũng thích. Vả lại rượu thủ công còn là bí quyết công nghệ của người dân, dòng họ từ nhiều đời, nhiều năm nay sao lại cấm? Có cấm là cấm sản phẩm làm bậy, có chất độc gây mất an toàn cho người sử dụng".

Tán đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng luật nên cấm sử dụng chất độc, chất cấm để sản xuất rượu, bia chứ không thể cấm rượu, bia truyền thống được.

Đặc biệt nếu luật quy định cứng cấm rượu truyền thống mà chỉ để rượu công nghiệp thì lại nảy sinh phức tạp như vấn đề nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp như vừa qua.

"Rượu truyền thống thường ngon hơn rượu công nghiệp. Như rượu thủ công ở Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen, Gò Công... rất ngon saọ lại cấm", báo Người lao động dẫn lời ông Bình bày tỏ.

Tác giả: Minh Thái

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP