Trong nước

Bộ trưởng Tư pháp: Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu

“Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, mang ra nước ngoài vẫn có giá trị, còn thẻ căn cước công dân chỉ có giá trị trong nước là giấy thông hành khi đi lại” – Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói bên hành lang Quốc hội chiều ngày 27/10.

Dư luận suốt thời gian qua vẫn băn khoăn, nghi hoặc về việc 2 Bộ Tư pháp, Công an giẫm chân, “vênh” nhau khi xây dựng 2 luật Hộ tịch và Căn cước công dân. Trong khi Chính phủ và Bộ Tư pháp đã nhiều lần khẳng định quan điểm giữ giấy khai sinh thì nội dung dự luật Căn cước công dân do Bộ Tư pháp soạn thảo đến thời điểm này vẫn giữ phương án bỏ giấy khai sinh cấp cho trẻ em để chuyển sang làm thẻ căn cước. Ông có thể nói rõ hơn vì sao lại có sự vênh nhau lớn như thế khi mà các cơ quan soạn thảo đều thuộc Chính phủ. Và quan điểm chính thức của Chính phủ về vấn đề này trong hai dự thảo luật là như thế nào?

Đúng là theo luật Hộ tịch thì vẫn duy trì việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em đến năm 14 tuổi. Còn Luật căn cước công dân lại quy định cấp căn cước công dân cho trẻ em sau khi làm thủ tục khai sinh, chứ không cấp giấy khai sinh.

Trước sự vênh này, Chính phủ đã có văn bản gửi UB Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục chỉnh lý luật hộ tịch theo hướng cấp giấy khai cho trẻ em ngay từ khi sinh ra. Sở dĩ Chính phủ đưa ra đề nghị trên vì việc cấp giấy khai sinh là để chứng nhận sự kiện ra đời cho trẻ em, có thể là công dân Việt Nam và cũng có thể là công dân nước ngoài sinh ra tại Việt Nam. Đây là thông lệ quốc tế và hầu hết các nước đến nay đều duy trì.

Hơn nữa, việc cấp giấy khai sinh ở Việt Nam cũng là truyền thống rồi. Ví như khi xảy ra sự kiện Hoàng Sa, Trường Sa xảy ra, chúng ta cũng đã phát hiện ra giấy khai sinh của người Việt Nam từ thời phong kiến cấp cho cư dân sinh ra ở Hoàng Sa.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường bên hành lang Quốc hội chiều 28/10.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường bên hành lang Quốc hội chiều 28/10.

Một điều quan trọng nữa là giấy khai có giá trị toàn cầu. Nếu mang giấy khai sinh ra nước ngoài vẫn có giá trị quốc tế. Trong khi thẻ căn cước công dân không có giá trị toàn cầu, chỉ có giá trị trong nước là giấy thông hành khi đi lại.

Ngoài ra, căn cước công dân cũng không thể hiện được nhận dạng của trẻ em trước đủ 14 tuổi. Chưa kể việc cấp căn cước cho trẻ em từ khi sinh rồi rồi đến 14 tuổi lại phải đổi lại sẽ gây ra phiền phức và tốn kém. Vì sản xuất ra một thẻ căn cước công dân chắc chắn sẽ tốn kém, phiền hà hơn giấy khai sinh nhiều.

Vì những lý lẽ trên nên Chính phủ rất nhất quán đề nghị UB Thường vụ QH xem xét thấu đáo trong hai dự án luật. Cho đến ngày hôm nay tôi được biết Luật hộ tịch đã chỉnh lý theo đúng hướng của Chính phủ. Còn luật căn cước công dân chưa được chỉnh lý, vẫn đề nghị cấp thẻ căn cước. Đây là trách nhiệm mà các đại biểu QH sẽ phải xem xét quyết định sao cho phù hợp.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có thẻ căn cước rồi mà vẫn giữ lại giấy khai sinh sẽ phiền phức cho người dân?

Giấy khai sinh không chỉ có giá trị như tôi nói ở trên mà nó còn có giá trị là giấy thông hành. Bởi trẻ em trước 14 tuổi không ai yêu cầu giấy tờ nào khác ngoài giấy khai sinh cả. Có điều sau khi các em đủ 14 tuổi, có thẻ căn cước công dân rồi, thì khi đó pháp luật không nên quy định có thẻ căn cước công dân rồi phải trình thêm giấy khai sinh bản sao nữa. Đây là điều mà chúng tôi đang hướng đến. Và tới đây nếu chúng ta có cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân, về hộ tịch rồi thì người dân sẽ giảm đi được rất nhiều những thu tục hành chính phiền phức.

Tiếp tục với câu chuyện “giẫm chân” của 2 Bộ. Nếu giấy khai sinh vẫn được giữ, như Bộ trưởng đã từng giải thích, cơ quan tư pháp sẽ là nơi cấp giấy khai sinh, khi cấp giấy cũng đồng thời “áp” số định danh cho trẻ và số này sẽ theo cá nhân đó suốt cuộc đời, là số dùng ghi lại trên thẻ căn cước khi công dân đến tuổi trưởng thành. Nhưng kho số định danh rõ ràng do Bộ Công an xây dựng, quản lý theo đề án 896. Phải chăng, chúng ta cùng lúc sẽ có hai cơ sở dữ liệu về dân cư và hộ tịch, điều này liệu có gây ra sự lãng phí?

Đối với một con người khi sinh ra thì cái quan trọng đầu tiên phải là khai sinh và sẽ được đưa vào dữ liệu hộ tịch. Tất cả mọi diễn biến liên quan đến nhân thân từ khi sinh cho đến chết đều sẽ được lưu vào dữ liệu hộ tịch và được kết nối với dữ liệu dân cư, bảo đảm cung cấp những trường thông tin cho nhau nên sẽ không có chuyện lãng phí. Tuy nhiên, giữa hai cơ sở dữ liệu trên có những điểm riêng, ví như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở chung để từ đó phục vụ cho tất cả các ngành khác như bảo hiểm, y tế, giấy phép lái xe… Còn dữ liệu hộ tịch có những cái riêng mà dữ liệu dân cư không cần đến ví dụ đứa trẻ em khi sinh ra có bố hay không có bố…

Nói như Bộ trưởng, sẽ có 2 tệp thông tin khác nhau như vậy thì ai quản lý? Nếu người dân muốn cải chính hộ tịch thì đăng ký với cơ quan nào và thông tin đó có được tự động chuyển sang cơ quan kia không?

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ đã giao Bộ Công an quản lý. Từ đó, trong cơ sở dữ liệu quốc gia này cũng phân nhánh ra. Ví dụ cơ sở dữ liệu về công dân, chẳng hạn dấu vân tay, nhóm máu, đặc điểm nhận dạng… do Bộ Công an xây dựng. Còn phát triển ra nhánh ở bên Bộ Tư pháp là cơ sở dữ liệu về lý lịch tư pháp đối với những người có bản án, đã phạm tội…

Nhưng cơ sở dữ liệu về hộ tịch ghi nhận tất cả những biến động về hộ tịch của một người nên nếu muốn cải chính hộ tịch thì phải đến cơ quan hộ tịch làm, làm xong thì trên cơ sở dữ liệu sẽ có 2 loại giấy tờ, một loại là sổ gốc được ghi bằng chữ, sau khi ghi, cơ quan quản lý hộ tịch có trách nhiệm đưa lên cơ sở dữ liệu điện tử (loại sổ thứ 2), tự động cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về sự thay đổi đó.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo (ghi)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP