Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục: Tuyển sinh khó khăn cũng đừng vơ vét

Bộ trưởng Nhạ yêu cầu, trong công tác tuyển sinh năm nay, các trường đại học cân nhắc, dù khó khăn đến mấy cũng không thể "vơ" bằng mọi cách.

Ngày 15/6, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị tổ chức thi phải lưu ý, tuyệt đối không để lộ đề thi THPT quốc gia.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng, mục đích tổ chức hội nghị này nhằm phân tích những hạn chế để rút kinh nghiệm từ công tác tổ chức tuyển sinh năm 2017 và để bàn về công tác tuyển sinh năm 2018, hạn chế tối đa những sai sót nhỏ nhất có thể xảy ra.

Theo Bộ trưởng, 3 năm vừa qua cả nước thực hiện kỳ thi "2 trong 1", vừa xét tuyển tốt nghiệp vừa phục vụ tuyển sinh. Năm đầu thành công nhưng bộc lộ không ít vấn đề. Tiếp đó, năm 2016 và 2017 kỳ thi đã tốt hơn nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập.

"Vấn đề của năm nay là cần khắc phục những bất cập đó để kỳ thi tốt hơn nữa. Quan trọng đặc biệt là công tác chuẩn bị để kỳ thi diễn ra an toàn, tuyệt đối không sơ sót, không lọt, lạc đề thi. Ví dụ việc lọt đề thi vừa rồi ở Hà Nội, một giáo viên mà làm ảnh hưởng cả kỳ thi", báo Tuổi trẻ dẫn lời Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng, kinh nghiệm cho thấy nguyên nhân gốc rễ của sai sót là không nắm rõ quy chế, không đọc quy chế và đọc tắt quy chế.

Tân sinh viên nhập học 2017. Ảnh: Tiền phong

"Vì thế phải rút kinh nghiệm từ những sai sót năm trước như nguyện vọng xét, điểm đầu vào, chỉ tiêu. Các trường được phép tự chủ nhưng phải chịu chất lượng đầu vào của sinh viên cũng như chất lượng đầu ra", Bộ trưởng nói thêm.

Trong công tác tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học cân nhắc, dù khó khăn đến mấy cũng không thể "vơ" bằng mọi cách. Thương hiệu chất lượng của một trường được xây dựng từ điểm đầu vào. Điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo.

Những năm qua, việc tuyển đủ chỉ tiêu bằng mọi giá là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các trường đại học, cao đẳng, kể cả công lập và ngoài công lập. Các trường đua nhau đưa ra chính sách ưu đãi, chấp nhận lỗ để thu hút thí sinh, duy trì ngành đào tạo. Nhiều trường còn hạ điểm chuẩn khiến dư luận băn khoăn về chất lượng đầu ra của các cử nhân, kỹ sư tương lai. Có không ít trường đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh được.

Nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, nhiều trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh có nguyên nhân lớn xuất phát từ việc những năm qua, các trường đại học, cao đẳng được mở ồ ạt.

Đến nay, việc thành lập mới các trường đại học đã dần được siết chặt. Cách đây gần 10 năm, theo Quyết định 07 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện thành lập đại họcc, trường đại học tư thục phải có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, không quy định giá trị đầu tư tại thời điểm thẩm định.

Đến quyết định 64 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, trường đại học tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng phân hiệu). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.

Nghị định 46 năm 2017 của Chính phủ quy định trường đại học tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

Như vậy sau gần 10 năm, vốn điều lệ thành lập trường đại học đã tăng 20 lần, các điều kiện thẩm định cũng chặt chẽ hơn.

Tác giả: Minh Thái

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP