Chăm sóc sức khỏe

Bộ NN&PTNT khẳng định nước mắm truyền thống an toàn

Ngày 31.10,  Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về thông tin chất lượng nước mắm. Đây là việc làm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT “chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế có ngay thông tin chính thức tới người dân về loại và hàm lượng Arsen an toàn trong sản phẩm nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang dư luận”.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã rà soát, bổ sung thông tin về chất lượng, an toàn thực phẩm nước mắm.

Bộ NN&PTNT một lần nữa khẳng định, Arsen có thể tồn tại dưới dạng vô cơ và hữu cơ. Arsen hữu cơ là kết quả của quá trình trao đổi chất tự nhiên, do đó có trong thực phẩm. Vì vậy, sản phẩm nước mắm lên men từ cá có Arsen hữu cơ không gây độc cho người, không cần đánh giá mức độ nguy hại và quy định tối đa trong thực phẩm. Trong khi đó, Arsen vô cơ gây độc, có quy định giới hạn tối đa trong thực phẩm.

Bộ NN&PTNT cũng chính thức đưa ra những quy định về nước mắm và nước chấm. Theo đó, nước mắm là sản phẩm truyền thống, lâu đời của Việt Nam. Phương pháp sản xuất truyền thống là quá trình lên men tự nhiên hỗn hợp bao gồm cá và muối.

Tiêu chuẩn quốc tế CODEX STAN 302-2011 đưa ra khái niệm nước mắm “là dung dịch đạm trong (không vẩn đục, với  quá trình lên men hỗn hợp cá và muối”.

Đối với nước chấm, văn bản Bộ NN&PTNT nêu: Tiêu chuẩn TCVN 1763:1986 quy định “nước chấm lên men và nước chấm hóa giải sản xuất từ nguyên liệu giàu protein có nguồn gốc thực vật, theo phương pháp vi sinh hoặc hóa học”. Tuy  nhiên, tiêu chuẩn này đã được thay thế  bằng tiêu chuẩn TCVN 1763:2008, khái niệm nước chấm được thay thế bằng khái niệm nước tương: “Nước tương là sản phẩm dạng lỏng thu được do quá trình lên men và/ hoặc quá trình thủy phân hạt đậu tương và/hoặc đậu tương và ngũ cốc và/hoặc protein thực vật”.

Do nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm và nước chấm khác nhau, rủi ro về an toàn thực phẩm (như kim loại nặng) khác nhau nên Bộ NN&PTNT sẽ rà soát và xây dựng  tiêu chuẩn riêng cho nước chấm, quy định danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn an toàn thực phẩm dành riêng cho nước mắm và nước chấm.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, qua kết quả thanh kiểm tra, một số cơ sở sản xuất chỉ thể hiện thông tin về hàm lượng đạm tổng trên nhãn, không công bố hàm lượng đạm axit amin hay đạm amoniac hoặc không công bố trung thực hàm lượng đạm trên nhãn… Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng  khó có khả năng phân biệt, nhận biết đầy đủ thông tin cần thiết về loại nước mắm, loại chất lượng, các loại phụ gia đã sử dụng trong quá trình sản xuất để lựa chọn loại nước mắm phù hợp.

Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát lại toàn diện, quy định cụ thể để phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất nước mắm, đồng thời đảm bảo thông tin rõ ràng, minh bạch đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Dự kiến một hội nghị về nước mắm sẽ được tổ chức tại Kiên Giang vào ngày 2.11 do Bộ NN&PTNT tổ chức.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP