Kinh tế

Bình minh ở Kỳ Phương – Kỳ Anh

Để dự án FORMOSA – một dự án mang tầm vóc khu vực đi vào hoạt động, tỉnh Hà Tĩnh đã phải di dời hàng nghìn hộ dân thuộc 5 xã vùng ven biển của huyện Kỳ Anh (gồm Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Thịnh). Tại nơi ở mới, dẫu còn chồng chất khó khăn nhưng người dân tin rằng cuộc đời mình sẽ thoát nghèo.


Nắng mới


Chúng tôi về xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh vào một ngày cuối tháng Bảy ngập nắng. Nhìn những đụn cát trắng lấp lóa trải dài đến ngút tầm mắt, đồng nghiệp của tôi ví von một cách khá hình tượng về cái sự nghèo của huyện vùng bãi ngang này. “Chỉ cách đây chừng dăm năm trở về trước, đứng trên Đèo Ngang nhìn xuống, tưởng tượng ai đó chỉ cần đặt một chiếc quạt máy có công suất lớn trên đỉnh đèo là có thể thổi bay tất cả những ngôi nhà lúp xúp như những bao diêm, xếp la liệt dưới kia”. Thật vậy, cái nghèo khó đeo đẳng bao đời đã khiến phần đông người dân quanh năm bám biển không thể cất nổi một ngôi nhà kiên cố, đủ sức chống chọi với mưa gió. Mỗi mùa mưa bão đi qua vùng, người ta lại run rẩy góp nhặt những gì còn sót, dựng lại những ngôi nhà tả tơi lấy nơi trú ngụ. Cứ thế đói nghèo và thiên tai trở thành một vòng luẩn quẩn, như muốn dồn con người vào nơi không lối thoát…


Kỳ Phương nay đã khác nhiều lắm. Từ tháng 3-2010, một nửa diện tích cùng dân số của xã đã được di dời nhường chỗ cho dự án FORMOSA – một dự án trọng điểm của khu vực Bắc miền Trung. Tại khu tái định cư, dọc 2 bên con đường đã được nhựa hóa phẳng phiu là những ngôi nhà ngói, nhà mái bằng kiên cố. Hệ thống điện, đường, trường, trạm và khu công sở 3 tầng khang trang của xã được đặt ngay trung tâm, bên cạnh là khu vui chơi giải trí, sân vận động… khiến chúng tôi có cảm giác đang đến thăm một khu đô thị mới chứ không phải vùng tái định cư của một dự án công nghiệp.


Trong căn nhà mái bằng rộng rãi khang trang, bà Phan Thị Ứng, thôn Nhân Hòa không giấu được niềm vui: Ngày nhận được đất, được tiền đền bù tại nơi ở cũ, cả nhà quyết định cất một căn nhà “cho ra tấm ra miếng” để ở. Sau hơn 3 tháng, căn nhà đã được hoàn thiện. Ngày đầu tiên đặt chân vào căn nhà còn thơm mùi sơn, nền lát gạch hoa sáng bóng, bước chân bà vẫn còn chênh chao lắm, cứ ngỡ không phải là sự thật. Bởi lẽ, gần trọn cuộc đời này, những bước chân của bà toàn gắn với cát, với sóng. “Không chỉ riêng tôi mà hầu hết người dân trong làng đều rất phấn khởi, nếu không muốn nói rằng nhờ dự án này, cuộc đời của những người dân nghèo như chúng tôi đã bước sang một trang mới. Dù trước mắt vẫn còn rất nhiều những khó khăn nhưng chúng tôi đều tin rằng, thế hệ con cháu mình sẽ được học hành đủ đầy, có công ăn việc làm đàng hoàng trên chính quê hương” – bà Ứng lạc quan cho biết.


Cùng có chung tâm sự như bà Ứng, anh Lê Văn Mùi, thôn Nhân Hòa cho biết: Chuyển về nơi ở mới, gia đình anh được cấp hơn 400m2 đất ở. Xây xong căn nhà lớn, số tiền còn lại anh bàn với vợ mua một chiếc xe tải, chuyên chở vật liệu xây dựng phục vụ cho bà con trong xã, cuộc sống của cả gia đình đến nay đã khá ổn định.


Những trăn trở


Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Chương – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương phấn khởi trước cuộc sống mới của nhân dân nhưng cũng không giấu được lo lắng: Sau khi có chủ trương của tỉnh, chính quyền, UBMTTQ cùng các ban, ngành của xã đã tích cực vào cuộc vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm vóc và vai trò quan trọng của dự án nên hầu hết người dân đều hiểu và ủng hộ. Đến thời điểm hiện tại, 100% người dân thuộc diện tái định cư trong xã đã di dời xong và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên điều đáng lo nhất hiện nay vẫn là tạo nghề cho người dân mưu sinh. Hiện tại, cả xã có khoảng hơn 2.000 người trong độ tuổi lao động không có việc làm, trong khi dự án FORMOSA trong giai đoạn thi công chỉ giải quyết được việc làm tạm thời cho chưa đầy 100 lao động. Để giải quyết tình trạng thiếu việc làm, xã cũng đã tổ chức lớp học nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan cho hơn 100 chị em phụ nữ trong xã. Tuy nhiên với lực lượng lao động dôi dư như hiện tại ở Kỳ Phương, các giải pháp này chỉ như “muối bỏ biển”.


Đem những trăn trở nêu trên gặp ông Nguyễn Đình Vận – Phó Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh, ông cũng băn khoăn: Về cơ bản khi thu hồi đất là thu hồi một cách triệt để để bàn giao cho nhà thầu nên người dân thiếu đất sản xuất, trong khi người dân chỉ quen đi biển và làm nông nghiệp. Đây là một khó khăn không nhỏ trước mắt. Về lâu dài chúng tôi sẽ mở một cuộc điều tra, phân loại độ tuổi lao động. Số người trẻ trong độ tuổi đi học sẽ được tạo điều kiện cho đi học tại các trường nghề, sau khi học xong sẽ bàn giao số lao động này cho các nhà đầu tư. Số lao động trung niên sẽ được khuyến khích vào các ngành dịch vụ, buôn bán. Đối với số người hết tuổi lao động sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo trong khoảng thời gian liên tục 5 năm. Đồng thời tỉnh sẽ thu hồi đất từ các dự án thiếu hiệu quả trong khu vực (khoảng 1.800ha) chia lại cho người dân làm đất sản xuất, đưa các loại cây trồng thích hợp, như cây thanh long vào trồng, góp phần phát triển kinh tế.


Với những nỗ lực đó, hy vọng cuộc sống của những người dân vùng tái định cư ở huyện Kỳ Anh sẽ sớm ổn định và thoát nghèo bền vững.


Nguyễn Chung

Đại Đoàn Kểt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP