Vấn đề Biển Đông

Biển Đông: “Thùng thuốc súng trên mặt nước”

Xung đột lãnh thổ làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông khiến người ta liên tưởng đến “ngòi nổ” Balkan cách đây 100 năm.

Trên tạp chí “Statafrik”, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd gọi đó là “thùng thuốc súng trên mặt nước”. Tâm lý dân tộc chủ nghĩa đang thiêu đốt các vùng lãnh thổ ở Đông Á, đồng thời khiến không gian chính trị nội tại bị thu hẹp lại.
Giống như khu vực Balkan cách đây một thế kỷ, môi trường chiến lược ở Đông Á là phức tạp do vùng này bị chia rẽ bởi các liên minh, các mối quan hệ lâu đời và những hận thù chồng chất.
Ít nhất có sáu nước và vùng lãnh thổ có tranh cãi về lãnh thổ với Trung Quốc. Ba trong số các nước đó là các đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ. Đây là chưa nói đến nhiều tổ chức có chân rết ở mỗi nước. Nhóm Khủng hoảng Quốc tế xác định chỉ riêng ở Biển Đông có tới 8 tổ chức như vậy. Yêu sách lãnh thổ lại rất nhiều. Nhìn chung, Mỹ vẫn tỏ thái độ trung lập, nhưng có nhiều đan xen giữa lợi ích cục bộ của các nước có liên quan và sự cạnh tranh chiến lược tổng thể giữa Mỹ và Trung Quốc và những đan xen đó là hoàn toàn không dễ kiểm soát.
Đông Á bị giằng xé mãnh liệt giữa hai trào lưu đối lập nhau. Một bên là các lực lượng toàn cầu hóa đang khiến cho các dân tộc xích lại gần nhau. Bên kia là các lực lượng dân tộc chủ nghĩa, thậm chí mang tính di truyền, luôn đe dọa gây chia rẽ khu vực.
Cựu thủ tướng Kevin Rudd nhận định yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông là vô cùng phức tạp. Theo một số cơ quan của Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định vùng biển này có trữ lượng tới 213 tỷ thùng dầu mỏ (gấp 10 lần trữ lượng của Mỹ, nhưng các nhà khoa học Mỹ không tin điều này) và 25.000 tỷ mét khối khí đốt (nhìn chung bằng trữ lượng đã được kiểm chứng của Qatar). Biển Đông cũng chiếm tới 10% lượng cá đánh bắt được hàng năm trên thế giới. Vùng biển này hiện là nơi diễn ra các cuộc thăm dò gây tranh cãi về nguồn tài nguyên năng lượng ở vùng biển sâu. Hoạt động đánh bắt cá cũng gây ra nhiều vụ đối đầu giữa các tàu. Hơn nữa, không giống như ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhiều hòn đảo ở Biển Đông đã có lính đồn trú và căn cứ hải quân. Sáu bên, trong đó có vùng lãnh thổ Đài Loan, có yêu sách đối với biển đảo ở Biển Đông.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi kể từ khi tàu đánh cá Trung Quốc làm đứt cáp thăm dò địa chấn của tàu Việt Nam hồi tháng 5/2011. Theo hãng Reuters, Việt Nam tuyên bố bắt đầu từ tháng 1/2013 sẽ triển khai cảnh sát biển hộ tống để ngăn chặn tàu nước ngoài thâm nhập lãnh hải. Ấn Độ, đối tác của Việt Nam trong một số dự án thăm dò, cũng nói sẽ tính đến việc đưa tàu đến Biển Đông để bảo vệ lợi ích của nước này.
Trong khi đó, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cảnh báo từ năm 2013, tàu bảo vệ bờ biển của địa phương này bắt đầu chặn, khám xét và xua đuổi tàu nước ngoài xâm phạm vùng lãnh hải của Trung Quốc, kể cả trong các vùng biển tranh chấp.
Trong cuốn sách mới nhất có tựa đề “The Sleepwalkers: How Europe Went to War in 1914” (tạm dịch: Những kẻ ngủ mê: Châu Âu đã bước vào chiến tranh trong năm 1914 như thế nào), nhà sử học Christopher Clark viết chủ nghĩa dân tộc ở khu vực Balkan kết hợp với trò chơi chính trị của các cường quốc và sự thiếu khéo léo ngoại giao của các nhà lãnh đạo lúc đó đã dẫn đến thảm sát trên quy mô lớn trong Chiến tranh thế giới thứ 1. Vào thời kỳ đó, cho đến năm 1914, chính phủ các nước châu Âu vẫn cho rằng một cuộc chiến tranh trên toàn châu Âu không thể nổ ra.
Theo cựu Thủ tướng Kevin Rudd, chiến tranh có lẽ sẽ không nổ ra trên toàn châu Á. Nhưng đối với người dân trong vùng đang phải chịu đựng căng thẳng leo thang ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, lịch sử châu Âu là một lời cảnh báo đáng được suy ngẫm.

Kiến Thức

  Từ khóa: Hoàng Sa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP