Thế giới

Bị trừng phạt, Triều Tiên vẫn có iPhone X

Mặc dù bị trừng phạt, chính phủ Triều Tiên vẫn tìm được cách để có được các sản phẩm của Apple, Microsoft của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc để thực hiện các vụ tấn công mạng khắp thế giới.

Bản báo cáo của Công ty Recorded Future (Mỹ) - chuyên cung cấp thông tin tình báo về mối đe dọa không gian mạng - công bố hôm 6-6, trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cho biết như trên.

Các sản phẩm công nghệ mới nhất của Mỹ đang có mặt ở Triều Tiên. Ảnh: WASHINGTON POST

Công ty trên xác định người Triều Tiên sử dụng iPhone, hệ thống điều hành Microsoft và phần mềm máy tính do Mỹ sản xuất, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ ngày càng nghiêm ngặt trong mấy năm gần đây, đồng thời họ sử dụng công nghệ này để hỗ trợ tiến hành các vụ tấn công mạng nhắm vào các nước khác. Theo đó, Triều Tiên đang sử dụng hệ điều hành Windows 10, điện thoại di động iPhone X của Apple và Galaxy S8 Plus của Samsung trong số các công nghệ khác, để thực hiện các hoạt động của mình.

Công ty cho rằng Triều Tiên đã có thể xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ phần lớn dựa vào phần cứng và phần mềm của Mỹ, bất chấp những biện pháp hạn chế thương mại.

Tuy nhiên, hầu hết công nghệ Triều Tiên đang sử dụng đều là hàng cũ hơn. Chẳng hạn, Recorded Future phát hiện điện thoại iPhone 4S và hệ điều hành Windows 7, cùng với các sản phẩm khác, vẫn đang được sử dụng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần đến thăm một nhà máy công nghệ trong nước. Ảnh: REUTERS

Đáng nói là, mặc dù Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong suốt 1 thập kỷ, đa phần công nghệ này đã được bán ra trực tiếp từ Mỹ theo các quy định cho phép giao thương các mặt hàng công nghệ miễn là các nhà xuất khẩu có giấy phép cần thiết của chính phủ.

Lệnh trừng phạt dưới thời Tổng thống Barack Obama năm 2016 ngăn chặn việc giao thương công nghệ và Tổng thống Trump năm 2017 đã mở rộng các biện pháp hạn chế nhắm vào các nhà xuất khẩu công nghệ một cách tổng quát hơn.

Thế nhưng, lệnh trừng phạt ngày càng nghiêm ngặt đã không ngăn chặn Triều Tiên có được công nghệ then chốt từ các nguồn của Mỹ.

Một số được đưa qua Triều Tiên trước năm 2016 trong khi một số phần mềm và phần cứng mới được nhập vào nước này trong thời gian gần đây từ các công ty và cá nhân né tránh được lệnh trừng phạt - theo nhà nghiên cứu Priscilla Moriuchi của Công ty Recorded Future.

"Triều Tiên đã chuyên nghiệp hóa việc tránh né lệnh trừng phạt. Có những lỗ hổng trong các hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đang được Triều Tiên khai thác" - bà Moriuchi nhấn mạnh.

Bà cho biết một công trình nghiên cứu dựa vào việc theo dõi dòng giao dịch Internet vào - ra Triều Tiên đưa ra chứng cứ cho thấy công nghệ của Mỹ đã cung cấp ít nhất một số phần mềm hoặc phần cứng được Triều Tiên sử dụng trong các vụ tấn công mạng, đặc biệt là nhắm vào Hàn Quốc.

Trên mạng lâu nay vẫn lan truyền nhiều hình ảnh chụp giới thượng lưu Triều Tiên, chủ yếu là chính khách, quan chức quân sự và gia đình họ, sử dụng iPhone hoặc máy tính chạy hệ điều hành Windows của hãng Microsoft.

Công ty Recorded Future ghi nhận phần nhiều hàng công nghệ lưu hành ở Triều Tiên do Mỹ sản xuất năm 2014, thời điểm Mỹ bán cho Triều Tiên số máy tính và các mặt hàng điện tử trị giá 215.862 USD. Đó là giá trị lớn nhất trong các hàng xuất khẩu được chấp thuận trong khoảng năm 2002 - 2017.

Trích dẫn dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, bản báo cáo nêu trên xác định hơn 430.000 USD hàng công nghệ xuất khẩu đã được cấp phép trong những năm kể trên.

Ngoài con đường hợp pháp, theo Recorded Future, Triều Tiên đã có nhiều hành động khác nhau để tiếp cận công nghệ Mỹ và Hàn Quốc.

Báo cáo của Recorded Future cho biết Triều Tiên đã tạo ra những địa chỉ và tên giả để né tránh lệnh trừng phạt, cũng như sử dụng các công ty vỏ bọc và các bí danh bên ngoài lãnh thổ để có được thiết bị cần, sau đó đem về nước.

Ngoài ra, những người Triều Tiên sống ở các quốc gia có thể sở hữu hợp pháp các sản phẩm từ Apple, Microsoft và Samsung cũng có vai trò trong nỗ lực kể trên.

Tác giả: Hoài Vy

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP