Pháp luật

Bị tội vì muốn 'nói chuyện' với chủ tịch tỉnh

Bốn người bị khởi tố thì hai người được tòa sơ thẩm cho hưởng án treo, hai người bị án tù giam.

TAND tỉnh Kiên Giang vừa xử phúc thẩm vụ gây rối trật tự công cộng đối với bốn bị cáo Lê Thị Hòa, Trương Thị Dời, Lê Thị Thủy và Sơn Ngọc Rum (cùng ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang). Tuy nhiên, sau phần thẩm vấn, HĐXX đã quyết định hoãn xử vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Từng bị phạt hành chính

Theo cáo trạng, bốn bị cáo thường đến các cơ quan nhà nước khiếu kiện liên quan đến yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai với một đơn vị trại giam.

Ngày 12-1-2016, bốn bị cáo cùng một số người khác đến trước cổng UBND tỉnh Kiên Giang để khiếu kiện. Họ đứng tụ tập phía trước cổng trụ sở UBND tỉnh, nơi có biển báo “Cấm tụ họp” và la hét lớn tiếng. Cán bộ tiếp công dân của UBND tỉnh đã đến giải thích, yêu cầu họ giải tán, vào trong trụ sở tiếp công dân để làm việc nhưng mọi người không hợp tác.

Nhận được tin báo, lực lượng công an phường đã đến hiện trường lập biên bản và những người vi phạm được đưa về trụ sở công an phường. Tiếp đó, Công an phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bốn người nhưng không ai nhận quyết định và không nộp phạt.

Khoảng 13 giờ ngày 17-5-2016, bốn bị cáo lại cùng với một số người khác kéo đến trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang lớn tiếng la hét yêu cầu gặp chủ tịch tỉnh Kiên Giang. Công an phường đã đến hiện trường đưa tổng cộng bảy người về trụ sở làm việc. Ba người bị xử phạt hành chính.

Riêng bốn bị cáo Hòa, Dời, Thủy, Rum do mới bị xử phạt vi phạm hành chính chưa đầy một năm nhưng lại tiếp tục gây rối nên CQĐT Công an TP Rạch Giá đã khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 245 BLHS. Cạnh đó, bốn bị cáo còn bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Bị tội vì muốn 'nói chuyện' với chủ tịch tỉnh - ảnh 1Từ trái qua, bị cáo Thủy, Hòa và Rum. Ảnh: TV

Tháng 3-2017, TAND TP Rạch Giá xử sơ thẩm. HĐXX nhận định việc khiếu nại tranh chấp đất đai giữa các bị cáo đã được nhiều cấp trả lời nhiều lần cũng như có nhiều công văn chỉ đạo giải quyết của trung ương và địa phương. Nếu cho là chưa thỏa đáng thì phải biết kiềm chế và chờ kết quả giải quyết tiếp theo nhằm thể hiện sự tôn trọng pháp luật.

Thế mà các bị cáo lại cùng nhau bàn bạc thống nhất ý chí là phải đến trụ sở UBND tỉnh để đòi gặp chủ tịch tỉnh. Khi cán bộ phòng tiếp dân giải thích, hướng dẫn thì các bị cáo không biết lắng nghe và tuân thủ. Khi đã bị công an phường xử phạt hành chính, các bị cáo lại không chấp hành.

Cùng kêu oan

Theo HĐXX sơ thẩm, bản thân các bị cáo biết và nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, vì ngay trước cổng UBND tỉnh có biển báo cấm tụ tập đông người, gây mất trật tự. Có điều các bị cáo đã bất chấp, thậm chí còn kêu tên chủ tịch, ca hát lớn tiếng. Theo HĐXX, điều này thể hiện sự xem thường pháp luật, làm náo động trước cổng UBND tỉnh khiến nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại xem.

Chỉ vì bức xúc trong việc giải quyết đất đai của các cơ quan có thẩm quyền mà các bị cáo chưa hài lòng nên các bị cáo đã bất chấp tất cả. Hành vi của các bị cáo gây căm phẫn, bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân.

Tính chất, mức độ thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, mang tính táo bạo và liều lĩnh, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền địa phương. Vì vậy cần tuyên các bị cáo mức án tương xứng với tính chất, hậu quả hành vi đã gây nên nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

Do các bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, xuất thân là lao động phổ thông, nhận thức pháp luật kém. Hai bị cáo Hòa, Dời còn có thêm tình tiết giảm nhẹ là gia đình có công với cách mạng nên phạt mỗi người sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Riêng bị cáo Rum, Thủy không thừa nhận hành vi phạm tội, không biết ăn năn hối lỗi mà còn thể hiện thái độ thách thức nên cần phải cách ly ra khỏi xã hội một thời gian. Từ đó tòa tuyên Thủy ba tháng tù, bị cáo Rum sáu tháng tù. Sau phiên xử, cả bốn bị cáo kháng cáo kêu oan.

Chúng tôi sẽ thông tin khi tòa xử phúc thẩm lại.

Từng bị bác khiếu nại

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo cho rằng chỉ đứng trên lề đường, không la hét, chửi bới như cáo trạng quy kết. Bốn bị cáo cho biết từng có đơn khiếu nại quyết định xử phạt hành chính vì cho rằng không đúng quy định. Biên bản vi phạm hành chính không ghi ý kiến của người vi phạm. Tuy nhiên, khiếu nại của các bị cáo không được giải quyết vì lý do CQĐT đã khởi tố vụ án. Từ đó HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để có thời gian xem xét thêm các chứng cứ.

Tác giả: THANH VÂN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP