Tình yêu

Bi kịch người đàn ông không biết đứa trẻ vợ mình sinh ra là con hay em?

Cuộc đời khó ai biết được chữ “ngờ”. Với một người đàn ông, còn nỗi đau nào lớn hơn khi bị chính người vợ “đầu gối tay ấp” và cha ruột mình phản bội.

Để rồi thời khắc nhìn đứa trai bé bỏng trong nôi, anh thắt lòng khi không thể nhận ra nó là “sản phẩm” của ai, nên xưng hô như thế nào (?). Câu hỏi đau đớn ấy cũng chính là nỗi ám ảnh mà bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền, đã từng gặp phải khi bà trực tiếp nghe tâm sự từ Kiên, một chàng trai từng phải hứng chịu bi kịch khủng khiếp.


Hạnh phúc giả tạo hay sự phản bội kinh hoàngCâu chuyện nhói lòng về Kiên bắt đầu với bà Nga từ cái lần anh đến trung tâm xin được xét nghiệm ADN cho đứa con mới sơ sinh.


Bà Nga kể: “Tôi thấy cậu ta ngồi điền tờ đơn xét nghiệm mà bàn tay cầm bút run đến nỗi viết không nổi. Cũng đã quen với sự hồi hộp từ nhiều trường hợp khác tương tự, tôi giành lấy tờ thủ tục rồi hỏi Kiên: “Quan hệ gì (?)”. Đến đây thì Kiên dừng bút hẳn, mắt nhòa lệ gục xuống bàn thổn thức”.


Yên lặng chờ phút giây cảm xúc bị dồn nén bộc phát hết, bà Nga mới quay sang từ tốn hỏi khách hàng: “Anh không trả lời được sao (?)”. Cố dằn lòng, Kiên tâm sự: “Cháu không biết phải điền thế nào, bởi thực sự chưa biết đứa trẻ này là con trai hay em ruột mình”.


Câu trả lời ấy khiến bà Nga sửng sốt mường tượng đến một bi kịch gia đình khủng khiếp. Ngừng tay viết, bà ngẩng đầu và im lặng nghe Kiên tiếp tục: “Nếu cháu và bố trùng gen, thì liệu có phân biệt được ai là cha đứa trẻ không (?)”. Đã rõ mục đích, bà Nga nhẹ nhàng đáp: “Cái này thì trung tâm có thể giúp cậu được”.

Cuộc sống là phải đối mặt, vượt qua sự phũ phàng


Bà Nga bảo ấn tượng đến giờ vẫn còn đọng lại sâu sắc trong ký ức của bà là hình ảnh Kiên khi lúc anh kể lại giây phút phát hiện ra sự thật trần trụi. “Đôi mắt Kiên lúc ấy đỏ ngầu như điên dại.


Tôi phải cố trấn an, nhưng làm sao để một người ngoài cuộc hiểu hết nỗi đau người đàn ông bị chính người thân yêu nhất phản bội đã trải qua. Giây phút đầy xúc động, Kiên đã nói với tôi: “Cháu ước gì mọi thứ vừa thấy chỉ là sự nhầm lẫn, chỉ là một cơn ác mộng”.


Nhưng tôi nghĩ, cuộc sống này phải dám đối mặt với sự thật, kể cả sự thật phũ phàng để vượt qua nó. Rất may, Kiên đã đủ bản lĩnh để làm điều đó, với lòng bao dung tuyệt vời”.


Trong câu chuyện diễn ra trong lúc hoàn thiện các thủ tục sau đó, Kiên kể về nỗi bất hạnh bao lâu nay dằn vặt tâm can mình. Anh kể: “Chuyện xảy ra đã từ 5 năm về trước.


Hồi đó, sau khi lấy vợ chừng vài tháng, cháu được cử đi thực tập ở nước ngoài. Nửa năm trời tu nghiệp, cháu đã vui mừng biết mấy khi ngày về nước cũng là lúc bác sĩ bệnh viện báo tin vợ chuẩn bị sinh hạ đứa con trai kháu khỉnh.


Hạnh phúc trào dâng được làm bố khiến cháu quên hết mệt nhọc, tất cả chuẩn bị mọi thứ cho đứa con tương lai, từ núm vú cao su nhỏ xinh đến cái xe đẩy kềnh càng.Niềm vui như nhân lên, ngày cả gia đình đón bé về từ bệnh viện. Nhìn bố nâng niu đứa con trai đầu lòng của mình, chăm lo hết lòng cho con dâu, cháu nghĩ hạnh phúc thật là viên mãn.


Tự đáy lòng, cháu thấy thật sự kính trọng và cảm ơn ông. Bất giác, trong suy nghĩ của mình, cháu cảm thấy dường như đứa cháu nội này đã làm ông quên đi nỗi cô đơn vì góa vợ. Là con, ai mà chẳng mong cha mình được như vậy”.Nhưng hạnh phúc giả tạo đó đã không tồn tại được lâu. Kiên bắt đầu lờ mờ nhận thấy chuyện gì đó khủng khiếp đang ập lên đầu mình, kể từ lần tình cờ gặp lại cô bạn gái cũ ngay quán cà phê đối diện cửa nhà.


Hôm đó, ngoài những lời thăm hỏi xã giao, lời châm biếm nhạt nhẽo: “Này, nghe nói vợ anh vừa sinh cho anh một đứa “em trai”, khiến anh không khỏi gai gai trong người. Vẻ đầy miễn cưỡng, Kiên đáp lời: “Đúng, vợ tôi mới sinh cháu. Rảnh rỗi mời bạn tới chơi”. Cuộc trò chuyện hôm ấy, không hiểu sao cứ xoáy sâu mãi trong tâm thức của ông bố trẻ. Kiên cố xua nó đi bằng cách giải thích: “Cô gái này trước đây từng bị mình từ chối tình yêu nên vẫn chưa hết hận”.


Nhưng nhớ đến lời cảnh báo lấp lửng của cô ta trước lúc chia tay, rằng: “Lấy vợ đẹp là bất hạnh, nhưng đàn ông các anh thì lại thích mua vào mình nỗi bất hạnh ấy”, Kiên lại liên tưởng đến một nỗi lo sợ mơ hồ.


“Có điều lúc đó, cháu lại sợ cô ta muốn làm gì đó trả thù, đại loại như tìm cách phá vỡ hạnh phúc gia đình mình. Không ngờ, cái dự báo mà cô gái ấy nói đến, lại là chuyện phản bội kinh khủng mà chính những người thân yêu nhất đã dành cho cháu”, Kiên tâm sự.


Lòng bao dung xóa mờ ký ức đau thương


Được bà Nga hết lòng an ủi, người đàn ông tội nghiệp mới trấn tĩnh để kể lại cái ngày khủng khiếp nhất cuộc đời mình.


“Lần ấy, cháu đi công tác tại TP.HCM hai tuần theo phân công của cơ quan. Nhưng chưa hết thời gian thì mọi việc đã hoàn tất, cháu quyết định về nhà sớm hơn dự định. Phần vì muốn dành bất ngờ cho mọi người, cháu quyết định đi taxi chứ không gọi điện thông báo gia đình lái xe đến đón như bình thường”.


Chiếc taxi dừng trước ngôi nhà thân thuộc, Kiên vẫn không gọi cửa mà nhẹ nhàng lách chiếc then cài bước vào bậc thềm. Trời mới ngả về chiều, nên anh đoán chắc giờ này vợ con đang ngủ.


Lặng lẽ xách hành lý lên cầu thang, bao háo hức ôm chầm lấy con trai và người vợ xinh đẹp trong Kiên chợt tan biến, khi anh nghe thấy rên rỉ phát ra từ căn phòng ngủ quen thuộc của vợ chồng mình.


Bao suy nghĩ đan xen hiện lên trong đầu Kiên. Anh cố gắng xua đi ý nghĩ khủng khiếp rằng có một người đàn ông khác đang “cùng” vợ mình trong đó. “Có lẽ xa chồng lâu ngày, cô ấy chỉ xem phim… thôi”, Kiên tự nhủ.


Nhưng cái âm thanh kia đúng là tiếng vợ anh, không thể khác được. Lấy hết can đảm, Kiên bước lên đẩy cánh cửa phòng. Khoảnh khắc ấy, sự thật trần trụi đã phơi bày. Trên chính chiếc giường ngủ quen thuộc, cha và vợ anh đang nằm đó, trên người không một mảnh vải che thân…Cố nén lại những đau thương, Kiên bước giật lùi rồi ngồi phịch xuống cầu thang. Anh chết lặng khi nhìn xuống dưới phòng khách, nơi cậu con trai nằm ngủ ngon lành trong chiếc nôi đong đưa theo điệu nhạc.


Lại một suy nghĩ khủng khiếp khác xuất hiện, bủa vây tâm trí anh: “Thằng bé kia là con trai mình hay chính là sản phẩm từ cuộc tình vụng trộm không biết đã bắt đầu từ lúc nào giữa người đàn bà hư hỏng với bố (?)”.


Máu trong người sôi lên, Kiên lao xuống cầm bức ảnh cưới của hai vợ chồng (treo trang trọng ở phòng khách) ném vỡ tan. Tiếng động mạnh làm đứa bé tỉnh giấc, khóc thét. Trong cơn giận dữ, Kiên chỉ kịp hét lên: “Mày khóc (?). Khóc to vào, mày hãy nói cho tao hay đi, mày là con tao hay là em tao (?). Trời ơi! Nhục nhã và ê chề quá…”


Sau tiếng hét ấy, Kiên ôm đầu lao ra khỏi nhà. Anh không còn đủ dũng cảm đối mặt với sự phản bội và nỗi dằn vặt khủng khiếp ám ảnh mình.


“Cháu ra đi, suốt 5 năm không một lần trở lại ngôi nhà từng ghi dấu hạnh phúc của chính mình. Cháu biết, nếu ở lại đó thêm một giây phút, cháu sẽ không dằn được mà giết chết người đàn bà hư hỏng đó”, Kiên nói mà ánh mắt như van lơn sự đồng cảm từ người đối diện.


Làm công tác xét nghiệm ADN đã nhiều năm, bà Nga đã từng gặp bao cảnh đời ngang trái, nhưng nỗi đau mà Kiên phải chịu đựng thật sự vượt ngoài sức tưởng tượng.


Bà kể: “Lúc đó tôi hỏi lại: “Vậy bây giờ sau 5 năm, anh đã tự giải thoát khỏi những áp lực để về thăm lại cha mình phải không (?), thì Kiên trầm giọng đáp: “Thời gian đúng là có sức mạnh bào mòn mọi thứ. Tâm trạng cháu bây giờ đã khá hơn nhiều. Trời xui đất khiến cho cháu gặp được một người phụ nữ mới. Cô ấy không đẹp như người vợ cũ, nhưng lại có đức tính tốt đẹp mà cháu hằng mong đợi.


Chính cô ấy đã trả lại cho cháu niềm tin đối với phụ nữ. Vừa rồi nghe chị gái báo tin bố ốm nặng, cháu về thăm ông và định bụng cũng sẽ không nhắc lại chuyện cũ nữa.


Nhưng khi thoáng thấy bóng con trước cửa, ông đã nức nở hối lỗi: “Bố không dám mong con tha thứ. Bố đáng bị trừng phạt vì điều tồi tệ bố đã gây ra. Sự trừng phạt lớn nhất đối với bố chính là quãng thời gian con lẳng lặng ra đi ngần ấy năm trời. Bây giờ, bố chỉ xin con một điều: Con hãy cưu mang lấy đứa bé. Bố đã đánh đổi tất cả để giữ lại nó khi mẹ nó đi lấy người khác vì dù sao nó cũng là dòng máu của nhà ta”.


Bà Nga bảo: “Sau lời sám hối ấy, Kiên cũng nguôi nỗi giận cha năm xưa. Nhìn khuôn mặt già nua, khắc khổ vì ân hận, anh chỉ còn thấy dâng trào nỗi xót thương ông. Anh cầm tay ông, gật đầu đồng ý lời thỉnh cầu.


Và trách nhiệm còn lại của chúng tôi, là giúp tạo nên cái kết có hậu cho một tấn bi kịch bằng cách cho đứa bé (chưa biết con của ai – PV) một danh phận”. * Tên nhân vật đã được thay đổi


(Theo Gia đình & xã hội Cuối tuần)

  Từ khóa: sinh ra , Đàn ông , đứa trẻ , bi kịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP