Kỳ Anh

Bi kịch một vụ tranh chấp đất ở huyện Kỳ Anh: Đã mất “bò” còn lo phạm tội

Bị chính quyền huyện biến 400m2 đất ở của mình thành của người khác, bà Tạ Thị Tương ở thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh sau nhiều năm đội đơn đi tìm công lí, bỗng nhiên bị Công an tỉnh “phán” là dùng hồ sơ giả để khiếu kiện. Thế là công lí chẳng thấy đâu, lại có nguy cơ vào tù vì tội giả mạo giấy tờ…

Tai họa kép


Năm 1980, vợ chồng bà Tạ Thị Tương, ông Hồ Xuân Thửa quê Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu ngoại thương Quảng Trạch, Quảng Bình thì Quyền Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Đình Nhu mời về vì ông bà giỏi nghề đan lát mây tre. Có cơ hội đóng góp cho quê hương, bà Tương, ông Thửa khăn gói theo ông Nhu về quê mà không toan tính thiệt hơn. Ông bà được bố trí làm việc tại Công ty Ngoại thương huyện với nhiệm vụ dạy nghề đan lát mây tre cho con em trong huyện. Năm 1980, UBND xã Kỳ Châu cấp cho ông bà 400m2 đất ở. Năm 1984, vị trí này quy hoạch Trường Năng khiếu và sân vận động nên UBND xã Kỳ Châu lại cấp cho ông bà một nền khác 400m2 tại Cạnh Buồm, bên Quốc lộ 1A ở trung tâm thị trấn. Do chưa có điều kiện làm nhà nên ông bà đồng ý cho HTX Liên Châu mượn 17m chiều rộng (phần lớn diện tích thửa đất) làm kho đựng phân bón. Phần chiều rộng còn lại, nửa phía trước ông bà làm quán bán hàng cho đến nay, nửa phía sau ông bà làm nhà ở, rồi đổi cho gia đình ông Đào Minh (giấy tờ liên quan đến thửa đất hiện đang được lưu giữ tại Công an tỉnh Hà Tĩnh).


Sau khi giải thể năm 1989, HTX Liên Châu đã bán 4 gian “sườn” nhà kho phân bón cho Công ty Vật tư cấp III Kỳ Anh (không bán đất). Chẳng biết bằng cách nào mà ông Nguyễn Huy Cổn, cựu cán bộ Trạm Vật tư cấp III Kỳ Anh được cấp sổ đỏ số AD 215319 ngày 10/11/2005 trên phần đất của bà Tương, ông Thửa cho HTX Liên Châu mượn? Khi biết đất của mình ở trong sổ đỏ mang tên người khác, bà Tương khiếu nại đến UBND huyện. Ngày 22/1/2010 UBND huyện Kỳ Anh có quyết định số 139/QĐ-UBND cho rằng khiếu nại của bà Tương không có cơ sở pháp lí nên bà khiếu nại lên tỉnh. Ngày 28/9/2010 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định số 2814/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Trần Minh Kỳ kí: “Công nhận và giữ nguyên quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 139/QĐ-UBND ngày 22/1/2010 của UBND huyện Kỳ Anh. Không công nhận nội dung khiếu nại của bà Tạ Thị Tương cho rằng UBND huyện lấy đất của gia đình bà cấp cho ông Nguyễn Huy Cổn”. Quyết định 2814/QĐ-UBND còn “phán”: “Qua kết quả giám định của phòng Kĩ thuật Hình sự Công an tỉnh và Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an thì các giấy tờ mà bà Tạ Thị Tương dùng làm căn cứ khiếu nại đòi quyền sử dụng đất là giả mạo, nên không có giá trị pháp lí, cần được điều tra, làm rõ để xử lí theo quy định của pháp luật”. Như vậy là bà Tương không những bị mất đất, mà còn bị “khoác” thêm tội giả mạo giấy tờ.


Sự thật qua những bằng chứng sống


Cựu Phó ban Kinh tế Tỉnh ủy Nguyễn Đình Nhu hiện đang sống tại TP Hà Tĩnh phàn nàn: “Năm 1980, tôi là Quyền Chủ tịch UBND huyện, đã chỉ đạo UBND xã Kỳ Châu cấp đất cho vợ chồng bà Tương tại khu vực nhà Nhà Văn hóa huyện Kỳ Anh bây giờ. Sau đó do bị quy hoạch, tôi lại chỉ đạo UBND xã Kỳ Châu cấp tiếp cho vợ chồng bà 400m2 khác tại khu vực Cạnh Buồn, bên Quốc lộ 1A. Nhưng trong quá trình điều tra về nguồn gốc đất của bà Tương, không có cán bộ nào ở huyện hoặc tỉnh gặp tôi để xác minh sự việc”?


Ông Nguyễn Tiến Hiều, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, hiện đang sinh sống tại xã Kỳ Tân khẳng định: “400m2 đất của bà Tương là sự thật không thể chối cãi. Vợ chồng bà được UBND huyện mời về dạy nghề cho con em trong huyện, anh Nhu và tôi đã hai lần chỉ đạo UBND xã Kỳ Châu cấp đất cho ông bà… Khi xảy ra tranh chấp, nhiều lần tôi đề nghị UBND huyện mời những nhân chứng liên quan và biết rõ sự việc, đối thoại để giải quyết nhưng bị UBND huyện phớt lờ”.


Người trực tiếp chịu sự chỉ đạo của UBND huyện Kỳ Anh lúc bấy giờ là ông Hà Xuân Thắng, cựu Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu. Ông Thắng là người trực tiếp kí quyết định cấp 400m2 đất cho vợ chồng bà Tương. Ông Thắng mới mất nhưng khi còn sống PV đã nhiều lần làm việc với ông (có quay phim, ghi âm làm tài liệu và đã cung cấp cho Công an huyện Kỳ Anh). Ông Thắng luôn khẳng định: “Tôi trực tiếp kí quyết định cấp đất cho bà Tương, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện lúc bấy giờ”…

Cựu Chủ tịch UBND xã Hà Xuân Thắng (dấu X), người kí quyết định cấp đất cho bà Tương, cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Hiều, ông Nguyễn Văn Thànhvà những người liên quan đến việc cấp đất cho bà Tương rất bức xúc vì trắng đen lẫn lộn.Ông Nguyễn Văn Bính, cựu Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Châu, cựu Bí thư thị trấn Kỳ Anh khẳng định: “Việc cấp đất cho bà Tương là có thật theo sự chỉ đạo của UBND huyện. Tôi còn nhớ chính ông Đính cán bộ nhà đất và ông Hà Xuân Thắng trực tiếp cầm thước đo đất cho bà Tương”.


Ông Nguyễn Văn Thành, cựu Trạm trưởng Trạm Vật tư cấp III Kỳ Anh cho biết: “Năm 1983 tôi làm kế toán Trạm Vật tư cấp III Kỳ Anh, tôi khẳng định, Trạm chỉ mua sườn căn nhà 4 gian của HTX Liên Châu (HTX không bán đất vì đó là đất mượn của bà Tương). Nhưng chẳng hiểu sao đất đó lại được UBND huyện làm sổ đỏ cho ông Nguyễn Huy Cổn? Ông Cổn là cán bộ Trạm Vật tư cấp III Kỳ Anh về hưu theo chế độ 176 và mua 4 gian nhà trên đất của Trạm Vật tư để kinh doanh chứ Trạm Vật tư không bán đất”. Thế mà quyết định số 2814/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh lại bảo giấy tờ bà Tương dùng làm căn cứ khiếu nại quyền sử dụng đất là giả mạo?


Tại sao trong quá trình điều tra và xác minh về nguồn gốc đất của bà Tương, huyện và tỉnh không mời những người liên quan đến việc cấp đất cho bà Tương trong thời gian 1980 đến 1984 để làm rõ? Ngày 25/5/2010, Phòng Kĩ thuật Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận 2 quyết định cấp đất và 1 giấy cho HTX Liên Châu mượn đất của bà Tương để giám định. Hai năm qua, bà Tương đã nhiều lần yêu cầu trả lại nhưng Phòng Kĩ thuật Hình sự Công an tỉnh không trả? Vì sao?


Nguyễn Cao Cường – Trần Hoành Sơn

NCT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP