Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Bệnh viện bị tố "chậm chân" khiến bé trai có nguy cơ sống thực vật

Một bé trai ở Hà Tĩnh sinh ra bị ngạt, tổn thương não nặng. Gia đình cho rằng kíp trực tắc trách, "chậm chân" dẫn đến sự cố nên làm đơn tố cáo.

Thai nhi bình thường, sinh ra tổn thương não

Anh Nguyễn Văn Hải (38 tuổi, trú thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) kết hôn với chị Trần Thị Nga (28 tuổi) vào năm 2021. Đến khoảng tháng 6 cùng năm, vợ anh mang thai con đầu lòng. Theo anh, trong suốt 40 tuần mang thai, chị Nga được thăm khám và siêu âm định kỳ đầy đủ mọi chỉ số và kết quả không có gì bất thường.

Đến sáng 20/3, chị Nga đau bụng, có dấu hiệu sinh nên được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. "Tại đây, bệnh viện chỉ định siêu âm và cho kết quả thai thuận, không có bất thường. Vợ tôi được Khoa Phụ sản cho vào phòng chờ vào khoảng 9h sáng", anh Hải kể.

Anh Nguyễn Văn Hải phản ánh sự việc đến báo chí và cho biết đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.


Vẫn theo anh Hải, trong thời gian ở bệnh viện từ 9-21h cùng ngày, chị Nga vỡ ối, đau bụng từ nhẹ đến dữ dội. Mỗi lúc chị Nga đau nặng, người nhà đều đưa sản phụ qua phòng sinh để báo cáo. Song, các y bác sĩ đều nói "chị chưa sinh đâu, cứ về phòng chờ đi".

"Sự việc này lặp đi lặp lại như vậy đến 4 lần. Người thân cũng đã đề nghị y bác sĩ can thiệp bằng phương pháp mổ nhưng nhận được câu trả lời rằng sản phụ sinh thường được", anh Hải cho biết.

Sau đó, chị Nga được đưa lên bàn chờ sinh. Đến khoảng 23h (2 tiếng sau), bé trai mới ra khỏi bụng mẹ. Lúc này, người nhà ở ngoài cửa sổ và cho rằng nhìn thấy bé bị ngạt, người tím tái, không cử động, không khóc. Hai nhân viên y tế dùng bình ô xy can thiệp trong khoảng 20 phút nhưng chưa có dấu hiệu khả quan. Bé tiếp đó được đưa đến Khoa Nhi để thở máy. Sau một đêm, anh Hải mới được gặp con.

Ngày hôm sau, bé trai được thăm khám, siêu âm, chụp chiếu. Người nhà nhận được thông báo rằng tình của bé rất nặng, phải chuyển tuyến.

Ra Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) ngày 22/3, bé được chăm sóc, thăm khám đặc biệt. Sau đó, gia đình nhận được kết quả bé đã bị tổn thương não sau khi sinh rất nặng nhưng không có thuốc để can thiệp. Bé có nguy cơ sống thực vật suốt đời nếu não bộ phục hồi chậm.

"Hiện nay, cháu đã được đưa về nhà chăm sóc. Chúng tôi cho cháu uống sữa hàng ngày qua thìa. Gia đình phải thuê một bác sĩ về tập vật lý trị liệu cho con hàng ngày nhưng không có gì tiến triển", anh Hải ngậm ngùi.

Cho rằng con mình bị như vậy là do các y bác sĩ tắc trách, thờ ơ, "chậm chân", anh Hải đã làm đơn khiếu nại gửi đến Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đề nghị làm rõ nguyên nhân.

"Sự cố là ngoài khả năng tiên lượng"

Ngày 19/5, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh Lê Ngọc Thanh đã ký văn bản trả lời đơn khiếu nại của gia đình anh Nguyễn Văn Hải. Trong văn bản này, phía bệnh viện cho hay, tình trạng sản phụ Trần Thị Nga khi nhập Khoa Phụ sản là toàn trạng bình thường. Sản phụ được chẩn đoán thai 40 tuần chuyển sinh con so, ối vỡ sớm. Sản phụ được chỉ định theo dõi chuyển dạ, tiên lượng sinh thường.

Bệnh viện kết luận kíp trực đã thực hiện đúng quy trình chuyên môn. Việc tiếp đón, thăm khám, xử trí kịp thời, không vi phạm chuyên môn và y đức.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, nơi xảy ra sự việc.


"Tiên lượng, chỉ định theo dõi chuyển sinh thường là đúng với chuyên môn. Sau sinh, trẻ bị ngạt được xác định nguyên nhân do dây rau thắt nút vị trí 1/3 trên gần bánh rau. Khi phát hiện trẻ ngạt, kíp trực cấp cứu ngay, mời hội chẩn và chuyển bé về Khoa Nhi điều trị đúng quy định. Việc xảy ra sự cố y khoa là diễn biến đột ngột, khách quan, nằm ngoài khả năng tiên lượng", văn bản nêu.

Sáng 21/7, làm việc với phóng viên Dân trí, đại diện Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh khẳng định, kíp trực hôm đó gồm một bác sĩ và 2 nữ hộ sinh đảm bảo trình độ và đầy đủ chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Còn sản phụ chuyển dạ từ 9h sáng đến 23h đêm là thời gian cuộc chuyển dạ bình thường đối với việc sinh con so. Trong thời gian này, thai nhi được nuôi dưỡng qua rau thai khi phổi chưa hoạt động.

"Sau khi xác minh, làm việc với những người liên quan trong kíp trực cho kết quả người nhà không có yêu cầu mổ. Nhưng nếu có cũng phải theo chỉ định chuyên môn, không theo người nhà được. Lúc bé sinh ra bị ngạt do dây rau thắt nút là diễn biến bất khả kháng, khách quan, nằm ngoài khả năng tiên lượng và xử trí. Việc xuất hiện dây rau thắt nút là tự nhiên, không phát hiện được trong siêu âm", vị này lý giải.

"Sự cố này là một tổn thất lớn. Những người làm trong ngành y chúng tôi cũng rất đau lòng và chỉ biết chia sẻ với họ. Quá trình xác minh, trả lời khiếu nại, chúng tôi đã có văn bản báo cáo Sở Y tế", vị này nói thêm.

Còn phía người nhà sản phụ cho rằng phía bệnh viện trả lời như trên là không thỏa đáng nên đã làm đơn tố cáo sự việc đến Sở Y tế Hà Tĩnh và Bộ Y tế.

Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Tác giả: Dương Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP