Giáo dục

Bệnh nhân ơi, càng than thì càng khổ thôi!

Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng cứ than phiền với Bộ trưởng thì những bất cập, bất tiện trong việc khám chữa bệnh sẽ được cải thiện.

Nếu như nhiều bệnh nhân tại các viện tuyến Trung ương ngày đêm mong mỏi các cơ quan chức năng, thậm chí đích thân Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến kiểm tra và thị sát cơ sở để được trải lòng, được bộc lộ sự thống khổ của mình và hi vọng “cải thiện được tình hình”. Thì tôi, lại ngược lại, tôi sợ những chuyến thị sát bất ngờ và sợ hơn, là những lời than thở của các bệnh nhân.

Là bệnh nhân, ai chẳng muốn được tiếp đón một cách nhẹ nhàng, nồng hậu, được khám, nhận kết quả một cách nhanh chóng, được tư vấn kĩ càng và chăm sóc trong một môi trường dịch vụ chuyên nghiệp.

Và đương nhiên, khi mọi sự không được như mong muốn, việc phản ánh với các cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm quản lí để khắc phục và cải thiện cũng là điều nên làm.

Sự quá tải ở những bệnh viện tuyến trung ương. Ảnh: Internet.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng sự phàn nàn đó chỉ “nên” áp dụng với những sự vật, sự việc dễ khắc phục như công tác vệ sinh, những công trình, cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ. Còn những vấn đề khó khắc phục, mang yếu tố “trừu tượng” hoặc tầm vĩ mô như thời gian thăm khám, chờ đợi, sự tiện nghi, lợi ích của bệnh nhân thì… không nên than phiền. Bởi càng than phiền thì người bệnh càng thiệt.

Chắc các bạn cũng nhận thấy, từ xưa đến nay, cán cân cung – cầu của ngành y luôn là cán cân lệch, cầu luôn lớn hơn cung. Kể cả cơ sở vật chất của các bệnh viện có được nâng cấp, thay đổi theo từng ngày, từng tháng cũng không thể tịnh tiến song song với số lượng người bệnh ngày một đông như hiện nay.

Nhận thức được điều đó, tôi khuyên các bạn nên chấp nhận việc một giường bệnh cõng sáu đến mười bệnh nhân. Tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi những bệnh nhân tại một bệnh viện tôi từng điều trị đã “than phiền” với Bộ trưởng (trong một chuyến kiểm tra cuối năm 2016) rằng rất mệt mỏi khi phải chung giường với nhiều bệnh nhân khác.

Và ngay sau đó, lời than phiền đã “hiệu nghiệm”. Mỗi bệnh nhân được nằm một giường. Đó là những bệnh nhân nặng cần phải theo dõi sát sao. Còn những bệnh nhân nhẹ khác thì… được xếp ngoại trú.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một chuyến kiểm tra bất ngờ cuối năm 2016. Ảnh: Internet.

Tôi không biết mình may hay rủi khi được xếp ngoại trú… Là người ở tỉnh lên, mỗi ngày ngoài việc phải chi tiền nhà trọ cao gấp vài lần tiền giường bệnh, tôi còn phải thường xuyên chạy đi chạy lại ra vào viện điều trị cũng như “nghe ngóng” tình hình. Vất vả và tốn kém vô cùng. Lúc đó, tôi chỉ ước được nằm chung với vài người nữa trên cái giường một mét trong viện.

Mặt khác, chúng ta nên có một cái nhìn cởi mở và thông cảm hơn với ngành y. Đúng là trên thực tế, thái độ của nhân viên y tế, bác sĩ ở nhiều nơi không thực sự “được lòng” bệnh nhân. Nhưng nếu đặt mình vào vị trí của những con người ấy – ngày đêm chăm sóc phục vụ, giải đáp thắc mắc, tư vấn, quản lý… hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân, liệu chúng ta có giữ mãi được nụ cười thân thiện trên môi?

Có chăng, muốn “cải thiện tình hình” một cách hiệu quả nhất thì mỗi người chúng ta nên quan tâm sớm hơn tới sức khỏe, hãy là bác sĩ phòng bệnh cho chính mình.

Nếu ai cũng làm được như vậy, tôi chắc chắn thời gian chờ đợi để đến lượt thăm khám sẽ rút ngắn đi rất nhiều.

Quang Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP