Tin

Bé gái 5 tuổi “bỗng dưng” chết khó hiểu ở bệnh viện: Đau đớn và phẫn nộ

Nói chuyện với PV, chị Bùi Thị Thanh Hương (SN 1982, trú tại phường Đông Khê, Quận Ngô Quyền, TPHải Phòng, mẹ cháu Phạm Khánh Nhi) nghẹn ngào: “Tôi đưa con đến bệnh viện chữa bệnh chứ có phải đưa vào chỗ chết đâu! Cháu chỉ bị viêm phổi, hôm qua vẫn cười đùa mà nay đã mất mạng. Hãy trả lại con cho tôi”.

Nghi vấn “thần chết” gõ cửa sau hai mũi tiêm?
Sáng 20/9, hàng chục người thân của bé Phạm Khánh Nhi (5 tuổi, ở Đông Khê – Ngô Quyền – Hải Phòng) bức xúc tập trung ở khu vực nhà xác của Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, yêu cầu các bác sỹ lý giải về cái chết của bé sau một ngày điều trị viêm phổi thùy tại đây. Nói chuyện với PV, chị Hương, là người trực tiếp chăm sóc, chứng kiến toàn bộ quá trình điều trị của con gái trong bệnh viện gượng kể lại diễn biến vụ việc trong nước mắt: “Sáng 19/9, con tôi được nhập viện sau khi bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi thùy. Con tôi nhập viện trong tình trạng không sốt, hoàn toàn tỉnh táo, vẫn nô đùa bình thường, chỉ có biểu hiện ho…”
Cũng theo người mẹ nay, khoảng 10h30’ cùng ngày, con chị được tiêm một mũi tiêm vào mông. Người nhà bệnh nhân được giải thích đó là mũi tiêm kháng sinh. Trước khi tiêm, bé Nhi không được test phản ứng của thuốc. Sau khi tiêm, cháu hoàn toàn tỉnh táo và chơi ngoan. Đến cữ tiêm buổi chiều, lúc 14h cùng ngày, Nhi được chỉ định tiêm 2 mũi (một vào mông và một tiêm tĩnh mạch).
Sau khi tiêm mũi tiêm vào mông, bé Nhi được y tá thử test thuốc kháng sinh trên vùng cẳng tay. Sau khoảng 10 – 15 phút test thử, bé Nhi được y tá tiêm thuốc vào thẳng tĩnh mạch. Vừa hết thuốc, rút mũi tiêm ra, bé Nhi đột nhiên hét lên, kêu: “Mẹ ơi con đau đầu quá, cứu con với…”. Toàn thân bé có biểu hiện tím tái, nhịp thở gấp, khó thở, mắt mũi trợn ngược lên. Lập tức, bé Nhi được đưa vào phòng cấp cứu của khoa hô hấp để thở oxy.
Trong dòng nước mắt, chị Hương nhớ lại: “Sau gần 30 phút sau, thấy tình trạng của con gái tôi xấu đi, các bác sĩ chuyển bé gái này xuống khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Quá trình điều trị ở khoa cấp cứu, có lúc thấy biểu hiện của con đỡ hơn. Nhưng sau đó, mỗi khi giật mình tỉnh giấc, bé luôn miệng kêu: “Mẹ ơi, con đau đầu lắm, cứu con với…Nhiều lần như thế, tôi đã phản ánh tình trạng của con với một bác sỹ trực tên Đạt, bác sỹ lại thờ ơ phán rằng: “Không sao đâu, nó làm nũng mẹ đấy…”. Nói xong, chị Hương ôm mặt khóc nức nở.
Trong lúc bối rối, nhận được lời đáp của bác sỹ, chị Hương yên tâm giao con cho ông ngoại ít phút để trở về khoa hô hấp chuyển nốt đồ đạc của con xuống khoa hồi sức cấp cứu. Vừa trở về phòng bệnh thăm con, chị Hương thấy bố đẻ bảo: “Con bé Nhi vừa bị sốc lại…”.
Người mẹ khốn khổ này cho rằng, từ khi xuống khoa hồi sức cấp cứu, cứ sau mỗi lần cháu giật mình tỉnh giấc, bác sỹ lại tiêm mooc-phin cho bé Nhi. Bé gái 5 tuổi luôn trong tình trạng khi tỉnh khi mê, lúc sốt lúc hạ, được truyền thuốc, truyền nước. Đến sáng 20/9, tranh thủ lúc cô y tá thay ga giường, chị Hương chạy vào giường bệnh của con (vì quy định không cho người nhà vào phòng cấp cứu chăm sóc), thấy tình trạng con mê mệt. Hỏi các bác sỹ nhưng chị Hương không nhận được câu trả lời về bệnh tình của con. Khi thấy màn hình đo mạch, nhịp tim của con gái chạy đường thẳng băng, chị Hương chỉ biết ôm con khóc.
Quặn lòng tiếng đòi con của người mẹ trẻ
Cùng nói chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Thu Thủy (SN 1981, chị gái chị Hương) kể lại, khi bé Nhi được chuyển xuống Khoa hồi sức cấp cứu, chị cũng có mặt để theo dõi tình hình. Chị Thủy là người làm trong ngành y (công tác ở bệnh viện phụ sản) nên cũng sơ bộ nhận biết được các loại thuốc. Quá trình cấp cứu cháu bé, chị Thủy nhận ra cháu bé liên tục được tiêm mooc-phin mỗi khi tỉnh táo, kêu đau đầu. Khi bé Nhi nằm trong phòng hồi sức cấp cứu, theo quy định của BV, chị Hương không thể tự tay chăm sóc con tại giường bệnh mà chỉ có thể dõi theo từ phía ngoài.
“Đến sáng 20/9, mặc dù nhiều lần hỏi về bệnh tình của con nhưng chị Hương không nhận được câu trả lời từ phía bác sĩ. Khoảng hơn 7 giờ sáng, thấy kíp trực nói về chuyện thay ga giường bệnh, chị Hương vội chạy vào giường bệnh của con thì nhận thấy màn hình đo nhịp tim, huyết áp là một đường thẳng băng. Hương đã ngất lịm bên xác con gái. Lúc tỉnh dây, nó liên tục gào thét đòi con rồi lại ngất lịm đi”, chị Thuỷ giàn giụa nước mắt.
Từ 8h sáng đến chiều tối ngày 20/9, gia đình nạn nhân kiên quyết không đưa xác bé gái về lo hậu sự mà chờ đợi câu trả lời cụ thể từ phía lãnh đạo BV. Trước sức ép của người nhà bệnh nhân, sự có mặt của đông đảo báo giới, ông Đỗ Mạnh Toàn – Phó giám đốc phụ trách hậu cần Bệnh viện trẻ em Hải Phòng – cùng ông Vũ Văn Ngọ – Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp đã ngồi lại. Phía người nhà nạn nhân yêu cầu hai vị này giải thích rõ về nguyên nhân chết của con cháu họ, đồng thời phải ghi lại trong tờ giấy báo tử rằng bé Nhi không bị viêm phổi nặng. Sau gần 2 giờ đồng hồ gay gắt đối chất, cuộc gặp giữa người nhà nạn nhân và hai vị lãnh đạo này không đạt được tiếng nói chung.
Phải đến 16 giờ cùng ngày, ban lãnh đạo bệnh viện mới chịu gặp gỡ phía gia đình cháu bé. Bác sĩ Nguyễn Văn Tú – Phó Giám đốc BV Trẻ em Hải Phòng – giải trình: “Dựa vào triệu chứng lâm sang, phía bệnh viện đưa ra nhận định ban đầu cháu bé bị sốc phản vệ”. “Đây là tai nạn không mong muốn, trong chuyên môn có tỷ lệ là nhỏ hơn 1/1.000. Hội đồng Giám định pháp y thành phố là cơ quan đưa ra kết luận cuối cùng, tuy nhiên phía gia đình đã không đồng ý giải phẫu tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân”, ông Tú nói.
Lau dòng nước mắt, chị Hương ngẹn ngào nói với chúng tôi: “Bây giờ con tôi đã ra đi rồi. Gia đình muốn tìm hiểu nguyên nhân vì sao cháu lại tử vong. Làm như thế thì linh hồn Nhi ở dưới suối vàng mới thanh thản được. Tôi chẳng thể ngờ, đây là lần cuối cùng mẹ con được ở với nhau. Lúc cháu kêu cứu, vì quá tin tưởng bác sĩ mà tôi không làm gì cho con được. Nỗi đau quá lớn, chúng tôi không biết bao giờ mới có thể hàn gắn lại được vết thương lòng này”. Nhìn người đàn bà khắc khổ vừa mất con, chúng tôi cũng bùi ngùi xúc động. Có lẽ, cái tiếng kêu cứa của bé Nhi sẽ còn ám ảnh, dày vò chị Hương trong thời gian dài nữa.
Ngồi bên cạnh, ông Phạm Duy Thiệu (ông nội bé Nhi) bất bình: “Cháu tôi vào viện vẫn tỉnh táo, không sốt, chỉ viêm phổi dạng nhẹ mà giờ bệnh viện ghi là nặng là không đúng. Lúc vào điều trị còn khỏe mạnh, mà giờ đã như thế này”.
Được biết, về việc người nhà bệnh nhân phản ánh thái độ của bác sỹ trực cấp cứu và yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vụ việc này, lãnh đạo bệnh viện khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến, đồng thời sẽ kiểm thảo tử vong để đưa ra kết luận cuối cùng. Trước báo giới, lãnh đạo bệnh viện này khẳng định sẽ có kết quả trong 2 tuần nữa.
Trước mắt, phía bệnh viện sẽ cử cán bộ về gia đình bệnh nhi để hỗ trợ trong việc lo hậu sự cho bé, đồng thời hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng tiền mai táng phí. Sau khi lo hậu sự cho bệnh nhi xấu số, phía bệnh viện và gia đình sẽ bàn bạc, thống nhất giải quyết vấn đề sau. “Không phải bất cứ trường hợp tử vong nào chúng tôi cũng cho xe đưa về. Nhưng trường hợp này, chúng tôi cũng muốn chia sẻ mất mát với gia đình…”, ông Nguyễn Tuấn Tú, Phó giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng nói.

Nguyên ĐBQH Nguyễn Thị Hoài Thu: Đạo đức nghề y mới được nói chứ chưa được làm

Chưa bao giờ, vấn đề y đức lại nóng như hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nguyên chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu về vấn đề này.





Thưa bà, thời gian qua xảy ra rất nhiều câu chuyện đáng buồn liên quan đến nghề y, có những vụ việc chỉ là sai sót nghiệp vụ của nghề y nhưng cũng có nhiều vụ nguyên nhân bắt đầu từ y đức. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề y đức trong giai đoạn hiện nay?


Đúng là chưa bao giờ vấn đề y đức lại nổi cộm như hiện nay. Chỉ trong mấy tháng trở lại đây, hàng loạt vụ việc chấn động liên quan đến nghề y được báo chí nhắc tới. Cháu bé sinh non còn sống lại bị Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thông báo người nhà đưa về làm hậu sự, một kết quả xét nghiệm máu dùng cho nhiều người, tiêm vaccine viêm gan B cho trẻ rồi tử vong, một người xét nghiệm ở 3 nơi cho 3 kết quả khác nhau… và đỉnh điểm là người nhà bệnh nhân lao vào đánh bác sĩ ở Hà Tĩnh.


Chỉ trong vòng 1 tháng qua, hàng loạt sai sót trong y khoa khiến nhiều người bức xúc, người nhà bệnh nhân phẫn nộ và nhiều người lo sợ nếu chẳng may mình phải vào bệnh viện thì gửi gắm tính mạng cho ai?


Công của ngành y tế cũng lớn nhưng “tội” thì cũng không phải là nhỏ. Hãy khoan nói về công, vì nếu không có những thành tựu của ngành y thì làm sao nước ta khống chế thành công tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh; điều trị thành công nhiều ca bệnh nan y, khống chế những dịch bệnh lớn như SARS….


Bàn về cái sai, cái “tội” của ngành y lại thấy chủ yếu xuất phát từ lỗi chủ quan của con người. Đơn cử như việc bảo quản vaccine, đã có qui trình rất rõ ràng, chặt chẽ, thế nhưng sau vụ 3 cháu bé tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B ở Quảng Trị, ngành y tế mới phát hiện ra rằng, nhiều bệnh viện trên toàn quốc đã bảo quản vaccine sai quy trình như tủ lạnh bảo quản vaccine hay nhiệt kế theo dõi hỏng, nhân viên chưa nắm vững cấp cứu khi có sốc phản vệ… Thử hỏi, nếu không có 3 bé sơ sinh tử vong bất thường thì đến bao giờ qui trình bảo quản vaccine mới được rà soát kỹ lưỡng?


Lâu nay chúng ta vẫn bàn nhiều đến y đức, coi đó là cái gốc của nghề y bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, dường như vấn đề y đức chỉ mới được nói nhưng vẫn chưa hành động?


Những gì thuộc về trình độ chuyên môn, kỹ thuật dẫn đến các sai sót trong ngành y thì sẽ dần được khắc phục nhờ vào các khóa đào tạo, các tiến bộ của khoa học. Nhưng những gì thuộc về y đức lại liên quan đến lòng trắc ẩn của mỗi con người. Việc sử dụng một kết quả xét nghiệm để chẩn bệnh cho nhiều người thì chắc chắn không có trường lớp nào dạy những người trong ngành y làm như vậy.


Người dân bỏ tiền ra để mua các dịch vụ y tế. Ngược lại, ngành y phải trả cho người bệnh những dịch vụ tốt nhất và kết quả là sự cải thiện về sức khỏe. Thế nhưng, ở đây đã có chuyện “tiền mất, tật mang” thậm chí là mất mạng! Hiện nay và bây giờ, nếu cái sự không may do tiêm phải vaccine bảo quản không đúng cách hay việc bị rơi từ trên xe đẩy xuống đất… rơi vào ai thì người đời tặc lưỡi “âu cũng là cái số”. Nhưng nếu ngành y tự hào về các thành tựu khám chữa bệnh của mình thì cũng phải đồng nghĩa với việc giảm những cái tặc lưỡi và trông vào sự may mắn của số phận.


Bộ trưởng Y tế trong các diễn đàn của Quốc hội và trả lời báo chí đều bày tỏ sự day dứt trước các thực trạng của ngành y (y đức, quá tải bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh…). Bộ trưởng cũng đã ra sức kêu gọi nâng cao y đức, nói “không với phong bì”… nhưng xem ra tình hình lại xấu đi?


Xin lỗi, xin lỗi và xin lỗi… Đó là những câu được cán bộ y tế thốt ra khi mỗi gia đình phải chịu cảnh mất người thân. Nhưng cái người dân cần không phải là những câu “xin lỗi” và nhận trách nhiệm một cách khơi khơi mà phải “thay máu” cho ngành y. Hơn lúc nào hết, câu chuyện y đức cần được vực dậy trước khi để nó rơi xuống mức “nguy hiểm”. Ngành y tế đang đánh mất chữ “Tín” khiến người dân âu lo, lòng tin giảm sút!.



Tuấn Hưng – Mỹ Dung

ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP