Giáo dục

Bắt trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 vì tâm lý ‘con nhà người ta’

Theo TS Vũ Thu Hương, việc dạy chữ cho con trước khi đi học xuất phát từ tâm lý “con nhà người ta” của nhiều bố mẹ. Điều này có thể làm mất sự sáng tạo của trẻ.

Trước thời điểm khai giảng hàng năm, phụ huynh lại đau đầu trước câu hỏi: Có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1?

Trên các diễn đàn Facebook, nhiều phụ huynh bày tỏ, nếu không cho con đi học chữ trước thì sẽ không yên tâm, sợ con không theo kịp bạn bè.

Một số giáo viên than phiền, thực tế trong khi sĩ số của 1 lớp lên tới 50 học sinh, việc nắn tay từng trẻ dạy chữ là quá vất vả.

Trước những tranh luận về có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1, TS tâm lý Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) - người có nhiều năm tư vấn trong lĩnh vực giáo dục - chia sẻ quan điểm cá nhân qua bài viết của mình.

Nguyên nhân đầu tiên là chương trình tiểu học từ năm 2000 có những thay đổi rất không hợp lý.

Từ chỗ chữ cái đầu tiên trẻ học là O đã đổi thành E. Đây là chữ cái phức tạp, trẻ không dễ dàng nhớ được. Vì thế, cha mẹ và thầy cô giáo sốt ruột khi dạy mãi mà trẻ không nhớ. Từ đó, người lớn có tâm lý muốn trẻ học trước để vào năm học dễ dàng hơn.

TS Vũ Thu Hương.

Thứ hai, trẻ đi học chữ sớm là do bệnh thành tích của bố mẹ. Trong một lớp, giữa những cháu ngơ ngác như "gà mắc tóc", một bạn giỏi hẳn lên khi đọc thông viết thạo sẽ khiến cha mẹ tự hào.

Phụ huynh thường có tâm lý vài cá nhân giỏi được lấy làm hình mẫu đem khoe. Những cháu chưa học có thể bị cô giáo trút giận dữ lên đầu vì họ dạy mãi mà trẻ vẫn ngơ ngác.

Học chữ chậm khi mới bắt đầu không thể hiện trình độ mà chỉ là trẻ chưa học. Tuy nhiên, điều này khiến gia đình áp lực, bắt buộc cho con cái họ phải học trước. Đây cũng là tâm lý “con nhà người ta” ở nhiều phụ huynh.

Thứ ba, nhiều giáo viên than mệt khi dạy trẻ chưa biết chữ. Thực tế đó một phần cho thấy không ít giáo viên ngày càng lười.

Thứ tư, nhiều phụ huynh có tâm lý sợ con vất vả nếu không biết chữ khi vào lớp 1. Phụ huynh thường muốn con thành công dễ dàng mà quên rằng trẻ cần khó khăn để trưởng thành. Nếu bao bọc, trợ giúp con mọi lúc mọi nơi, trẻ sẽ không có khả năng "chiến đấu", vượt qua khó khăn. Như thế làm sao con có thể thành công khi ra đời?

Thứ năm, cha mẹ luôn sợ con bị chê cười nhưng mấy ai hiểu, nếu chuyện nhỏ con đã thiếu tự tin thì làm sao có thể sớm trưởng thành?

Thứ sáu, phụ huynh cấm trẻ không được lưu ban, trong khi đó trẻ cần học lại nếu không theo kịp, nếu không sẽ đuối dần ở các lớp cao hơn.

Thứ bảy, ở các thành phố lớn, việc hạn chế mở trường tư thục, sĩ số lớp trong trường công lập quá đông cũng khiến giáo viên áp lực khi dạy trẻ.

Cho trẻ học chữ sớm hạn chế sự sáng tạo

Khi trẻ không biết chữ trước khi vào lớp 1, các em sẽ có khả năng quan sát tinh tế những chi tiết nhỏ mà các bạn biết chữ sẽ ỷ lại, không để ý.

Ví dụ, trong số các bạn nhỏ mà tôi gặp gỡ và nghiên cứu, một bạn trai 5 tuổi hoàn toàn không biết chữ. Trong lớp, giáo viên thường cho trẻ đeo thẻ tên. Khi cho bạn ấy xem một loạt thẻ tên của các thành viên trong lớp, học sinh này luôn nhặt và trả đúng thẻ cho từng bạn.

Giáo viên có hỏi bạn ấy xem các thẻ này của ai và tại sao, bạn ấy vừa chỉ vừa nói: "Thẻ này có một vạch màu hồng là của bạn Bông. Thẻ này có vết xước đằng sau là của bạn Táo...".

Trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ” sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt. Khi tôi còn là sinh viên, gia đình có một em bé bước vào lớp 1. Bố mẹ dạy 2 - 2= 0 thì em bé đó đã lặp lại rất hài hước “hai trừ hai bằng không khí".

Rõ ràng "số 0" và từ "không khí" có một chữ đồng âm trái nghĩa. Trẻ nhỏ tưởng tượng những thứ mà người biết chữ sẽ không bao giờ nghĩ ra. Đó chính là sáng tạo.

Sáng tạo là việc tìm tòi và phát kiến những điều đặc biệt mà người khác không tìm ra. Sáng tạo là hoạt động cá nhân mà không ai có thể dạy người khác được vì những phát kiến mới chỉ có thể nảy sinh trong óc từ những quan sát đặc biệt hiếm hoi và đi ngược lại xu thế của đám đông.

Khi trẻ có sự quan sát tự do, không gò bó bởi các nguyên tắc, trẻ sẽ dễ dàng tìm ra những điểm mới thú vị làm cho người lớn phải ngạc nhiên. Tuy điều đó không phải là mới với người lớn, đó lại là điều mà trẻ lần đầu phát hiện. Đó thực sự là sáng tạo của riêng trẻ.

Ngoài ra, khả năng quan sát cũng như liên tưởng của trẻ dưới 6 tuổi chưa biết chữ rất cao.

Khi tôi viết chữ O lên tay các bạn nhỏ mầm non chưa biết chữ, các bạn lập tức phát biểu: Hình tròn, đồng hồ, bánh xèo, bánh xe, quả bóng, nắp chai, miệng cốc... Các bé đã làm tôi bất ngờ vì bạn khác mà biết chữ chắc chắn sẽ trả lời: Chữ O.

Trẻ em Việt Nam chỉ có được 6 năm để “mù chữ” bởi với chủ trương phổ cập, sau tuổi lên 6, tất cả trẻ đều được đến trường và học chữ. Như vậy, việc biết chữ với trẻ là chắc chắn, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Nếu 6 năm đầu đời, trẻ rời xa việc học chữ, chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt.

Tác giả: TS tâm lý Vũ Thu Hương

Nguồn tin: Báo Zing

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP