Tin

“Bắt tại trận” giò chả bị trộn chất gây ung thư

Ông Hải khai nhận, để chế biến chả, cơ sở ông tìm mua thịt cũ ôi thiu có giá thành rẻ làm nguyên liệu. Cứ 1 kg thịt nạc và 0,5 kg mỡ, ông mang đi trộn với một muỗng rưỡi chất Borax-  hóa chất được Bộ Y tế nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm.

Thông tin trên báo Công an TPHCM, khoảng 8h sáng ngày 22/4, tổ công tác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an tỉnh Bình Thuận bất ngờ kiểm tra cơ sở chế biến chả lụa của ông Trần Quang Hải (62 tuổi) tại tổ 1, khu phố 8, phường Phước Hội, thị xã La Gi, Bình Thuận và phát hiện các nhân công trộn chất gây ung thư chế biến giò chả lụa.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 5 kg chất Borax đang được ông Hải cất giấu tại nhà và 13,5 kg chả lụa thành phẩm được trộn chất Borax trước đó.

Ông Hải khai nhận, để chế biến chả, cơ sở ông tìm mua thịt cũ ôi thiu có giá thành rẻ làm nguyên liệu. Cứ 1 kg thịt nạc và 0,5 kg mỡ, ông mang đi trộn với một muỗng rưỡi chất Borax rồi xay nhuyễn để đưa vào khuôn, đúc thành cây chả lụa có trọng lượng nửa kg, hoặc dùng lá chuối gói thành những cây chả nhỏ.

Mục đích của việc trộn Borax vào nguyên liệu để giúp các loại chả lụa thành phẩm có độ dai, giòn, thơm ngon, thời gian bảo lâu. Tất cả chả lụa trộn hoá chất được cơ sở của ông Hải đưa đi tiêu thụ tại các chợ, hàng quán, khu du lịch Dinh Thầy Thím và các trường mẫu giáo trên địa bàn thị xã La Gi.

hatinh

Một số nguyên liệu dùng để chế biến giò chả. (Ảnh: Báo Công an TPHCM).

Cùng lúc, một tổ công tác khác của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, công an tỉnh Bình Thuận kiểm tra đột xuất cơ sở chế biến giò chả của ông Nguyễn Yên (49 tuổi) tại khu phố 10, phường Phước Hội, thị xã La Gi và thu giữ 250 g chất Borax và 10 kg giò chả thành phẩm được trộn hoá chất độc hại này.

Ông Yên thừa nhận biết rõ Borax là hóa chất độc hại nhưng vì nó giúp giò chả luôn tươi, dai, giòn, thơm ngon… nên vẫn lén trộn vào nguyên liệu, chế biến. Sản phẩm từ cơ sở của ông Yên được đưa đi bỏ mối tại các chợ và tiệm ăn uống trên địa bàn và TP Phan Thiết.

“Đây là lần đầu tiên phát hiện một số lượng lớn chất Borax độc hại sử dụng trong chế biến thực phẩm tại Bình Thuận. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ việc”, Trung tá Trương Sĩ Trung, chỉ huy tổ công tác cho biết.

Hai cơ sở này từng được tuyên truyền, nhắc nhở về việc không sử dụng hoá chất độc hại trong chế biến nhưng vì hám lợi, chủ cơ sở vẫn cố tình cho Borax vào nguyên liệu, chế biến rồi mang bán ra thị trường.

Thông tin trên báo Thanh niên, Borax hay còn gọi là hàn the có tên hóa học sodium borate decahydrate, kết tinh dưới dạng tinh thể màu trắng. Khi hòa tan trong nước, hàn the trở thành chất không màu, không mùi, không vị. Vì thế, người tiêu dùng chọn mua thực phẩm không thể nào phát hiện được đâu là thực phẩm đã bị ướp hàn the. Một lượng hàn the thật thấp (khoảng 5 gr trở lên) có thể gây ngộ độc cho người sử dụng, thậm chí dẫn đến tử vong khi nồng độ cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình muối ướp của người buôn bán thì lượng hàn the trong thực phẩm thường không đủ cao nên ít gây ra ngộ độc cấp tính, mà nó sẽ gây tình trạng ngộ độc mạn tính với số lượng mỗi ngày đưa vào cơ thể một ít, cơ thể tích tụ dần dần khó mà hay biết.

Borax là hóa chất được Bộ Y tế nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Borax có thể gây tổn thương gan, ruột, não, thận, ảnh hưởng tới đường tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và thoái hóa cơ quan sinh dục.

Hàn the khi vào cơ thể sẽ tích tụ ở gan, rất khó bị đào thải ra ngoài; khi tích tụ số lượng đủ lớn chúng sẽ bộc phát ra ngoài gây bệnh mạn tính.

Với phụ nữ có thai, Borax được đào thải qua sữa và nhau thai, gây độc hại cho thai nhi. Trẻ em dùng thực phẩm có Borax lâu ngày, tác hại tăng dần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, đặc biệt đối với trẻ em trong tuổi trưởng thành.

Borax là hóa chất được Bộ Y tế nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm.

“Vạch mặt” thực phẩm chứa hàn the

Nhận biết thực phẩm chứa hàn the bằng mắt

Đối với các loại thực phẩm được tẩm ướp bằng hàn the thì bằng mắt thường rất khó nhận ra. Nhưng loại thực phẩm phải chế biến bằng cách xay nguyên liệu thì có thể nhận biết được bằng mắt thường. Giò chả, giò lụa thường khi cắt ra sẽ có các lỗ li ti trên bề mặt. Nếu bề mặt của các loại giò này mịn và không có lỗ thì khả năng cao là thành phần của giò có thêm bột hay các loại tạp chất khác, khả năng cao là giò lụa có chứa hàn the.

Nhận biết thực phẩm chứa hàn the bằng vị giác

Nếu dùng mắt mà không thể phát hiện được thì ta có thể nếm thử để cảm nhận. Loại thực phẩm không chứa hàn the thì khi ăn bạn sẽ cảm nhận ngay được độ đặc trừng của loại thực phẩm đó. Đối loại thực phẩm mà khi ăn vào có sự bất thường thì hãy suy xét lại một chút. Khi ăn thực có chứa hàn the bạn sẽ cảm nhận được độ dai giòn bất thường cũng như mùi vị đặc trưng của thực phẩm sẽ không còn được như bình thường nữa.

Nhận biết thực phẩm có chứa hàn the bằng giấy tẩm nghệ

Giấy tẩm nghệ có thể tự chế tạo được nhưng bạn sẽ mất một khoảng thời gian để thực hiện. Giã nhỏ nghệ và ngâm trong dung dịch cồn khoảng 4 giờ. Sau đó cho giấy lọc vào dung dịch nghệ ngâm trong 2 giờ.

Hàn the có công thức (Na2B4O7) và có tính kiềm, khi tác dụng khi tác dụng với hợp chất của giấy tẩm nghệ sẽ làm giấy chuyển từ màu nghệ sang đỏ.

Đây là cách chính xác nhất để biết thực phẩm có chứa hàn the.

Ngọc Anh (Tổng hợp từ báo Công an TPHCM, Thanh niên)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP