Giáo dục

Bạo lực học đường phức tạp một phần do mạng xã hội

Nhiều giáo viên kinh nghiệm cho rằng bạo lực học đường ngày càng gia tăng và có biểu hiện phức tạp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là mạng xã hội.

"Bạo lực học đường thời nào cũng có, trường nào cũng có. Thời tôi đi học, học sinh rất khoái đánh nhau, đọ sức xem ai hơn. Nhưng tại sao thời gian gần đây tình trạng này khiến xã hội đau đầu? Theo tôi, đó là do mạng xã hội. Ngày nay, cái gì cũng được đưa lên mạng. Thông tin rộng rãi khiến vấn đề này trở nên đáng lo", cô Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận 2 (TP.HCM), phát biểu tại hội thảo về phòng chống bạo lực học đường.

Ngay sau ý kiến của cô Cúc, nhiều đại biểu tham dự chương trình do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức sáng 10/10 này cũng bày tỏ tâm tư, sự trăn trở với tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, với sự "hỗ trợ tích cực" của mạng xã hội.

Từ câu nói trên mạng đến đánh nhau ở trường

Ông Lê Phú Trí, đại diện phụ huynh học sinh trường THCS Hồng Bàng (TP.HCM), cho rằng gia đình là nền tảng quyết định văn hóa ứng xử của đứa trẻ, trong đó cha mẹ có vai trò rất lớn. Ngoài ra, các em cũng chịu ảnh hưởng từ xã hội, mà hiện nay nổi lên là mạng Internet.

Theo phụ huynh này, một số học sinh sử dụng mạng xã hội thiếu văn hóa, vừa là nguy cơ, vừa là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường. Mâu thuẫn nhỏ từ câu nói qua lại trên mạng cũng có thể dẫn đến những trận đánh nhau.

Ông Trí đề nghị nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh giao lưu với những tấm gương sáng, nói chuyện chuyên đề về văn hóa ứng xử, cũng như cách sử dụng mạng xã hội thông minh. Nhà trường cần xây dựng quy tắc ứng xử giữa các thành viên để tạo ra môi trường văn hóa, ngăn ngừa bạo lực.

"Kỷ luật, đuổi học chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, quan trọng phải tạo ra môi trường văn hóa trong trường, rèn luyện văn hóa ứng xử giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh và ngay cả giáo viên với nhau", ông Trí nói.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trực tiếp giảng dạy và làm công tác quản lý, cô Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận 2 (TP.HCM), cho rằng không có biện pháp nào quan trọng và hữu hiệu bằng tăng cường giáo dục đạo đức học sinh.

Cô Nguyễn Thị Cúc, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận 2, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: M.N.

Cô Cúc cho biết đa số học sinh liên quan bạo lực ở trường đều xuất phát từ gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thiếu quan tâm con, môi trường xung quanh không tốt. Giáo viên chủ nhiệm nắm rõ được tính cách từng học sinh, phải bao dung, yêu thương và răn dạy các em ấy nhiều hơn.

"Tôi luôn nói với giáo viên trong bất cứ trường hợp nào cũng không được dùng bạo lực với học sinh. Khi học sinh đánh thầy cô, chúng ta đừng vội lên án các em tại sao như vậy, tại sao phá vỡ truyền thống tôn sư trọng đạo. Chưa chắc như vậy! Mình hãy nhìn lại người lớn chúng ta - chính những giáo viên, đã đối xử công bằng với các em ấy chưa, có hiểu được và khiến các em tâm phục, khẩu phục hay chưa", cô Cúc nêu quan điểm.

Đại diện Phòng Giáo dục quận 2 cho rằng bạo lực học đường thời nào và trường nào cũng có, chỉ khác nhau về mức độ. Chính tình thương của thầy cô sẽ giáo dục học sinh tốt nhất.

"Giữa việc truyền đạt kiến thức và lan tỏa tình yêu thương, uốn nắn đạo đức, tôi cho rằng nên chú trọng vế sau. Kiến thức mênh mông, các em có cả đời để học nhưng đạo đức mỗi con người nên được giáo dục từ nhỏ, càng sớm càng tốt. Những trường hợp cá biệt, nếu không uốn nắn sớm, dần dần, tính xấu sẽ trở thành bản chất con người. Điều đó rất nguy hại", cô Cúc đề xuất.

Ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Pháp chế, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, cho rằng không ai có thể khẳng định trường, tỉnh mình không xảy ra bạo lực học đường. Cơ quan quản lý nên tiếp cận việc phòng chống bạo lực học đường bằng cách khác. Hiện nay, các trường có nhiều phương án phòng chống nhưng vẫn còn cứng nhắc, mang tính chất đối phó.

"Các hoạt động cho học sinh trong trường chưa phong phú, không đủ thời lượng, do đó không giúp các em hình thành tính cách hướng thiện. Theo tôi, chúng ta nên giáo dục các em bằng hành động, trải nghiệm thực tế mới có những thế hệ ngày càng tốt hơn, chứ không thể kỳ vọng sẽ kiểm soát 100% vấn đề này được", ông Dũng cho hay.

Ông Phạm Anh Dũng, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng Pháp chế, Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương. Ảnh: M.N. Hơn 2.000 vụ bạo lực học đường mỗi năm

Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT, lưu ý các trường cần phân định rõ bạo lực xảy ra ở đâu. Nếu trong nhà trường, trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng. Song, vụ việc xảy ra ở địa phương, ngoài xã hội, sẽ do chính quyền địa phương xử lý.

Theo ông Bá, sau hơn một năm triển khai các nghị định, quyết định của Bộ GD&ĐT về phòng chống bạo lực học đường, các sở GD&ĐT đều có kế hoạch triển khai nhưng hầu hết "bê nguyên xi" nội dung văn bản của bộ. Trong đó, qua khảo sát thực tế, cơ sở giáo dục chưa nắm chắc số liệu.

Ông Dương Văn Bá cho biết từ năm 2011 đến nay, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng tăng. Ảnh: M.N.

Đơn cử như năm học vừa qua, theo báo cáo của ngành giáo dục, cả nước xảy ra vài trăm vụ bạo lực học đường; mỗi tỉnh, thành xảy ra khoảng 2-3 vụ. Tuy nhiên, khi công an vào cuộc, số liệu tổng hợp lại chênh nhau khá lớn, với hơn 2.000 vụ. Hơn 53% số vụ bạo lực xảy ra trong môi trường học đường.

Trước thực tế đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường, sở GD&ĐT chủ động hơn trong việc nắm tình hình, dữ liệu về bạo lực học đường. Từ năm 2011 đến nay, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng, xuất hiện thêm nhiều vụ việc phức tạp.

Sắp tới, Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn sâu sát hơn công tác thực hiện tại các đơn vị. Trước mắt, bộ sẽ tiến hành khảo sát thực tế ở nhiều tỉnh, thành, phân chia đối tượng học sinh thành hai nhóm gồm nhóm có nguy cơ gây ra bạo lực và nhóm bị bạo lực để có giải pháp căn cơ hơn, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo.

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP