Hương Khê

Báo động tình trạng lấn chiếm đất rừng ở Hương Trạch

Tình trạng một số người dân ở xã Hương Trạch (Hương Khê) phát rừng để trồng keo trên diện tích do BQL rừng phòng hộ Ngàn Sâu quản lý diễn ra khá rầm rộ từ đầu năm đến nay và đang có xu hướng tiếp diễn.

Chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước đang gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc xử lý, ngăn chặn tình trạng này…


Đất rừng bị lấn chiếm


Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu được giao quản lý 3.586 ha (chủ yếu là rừng sản xuất) trên địa bàn xã Hương Trạch. Thời gian gần đây, do nhu cầu về đất sản xuất và hiệu quả kinh tế từ trồng rừng nguyên liệu đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn, nhất là xóm Tân Dừa và La Khê đã tự ý sẻ phát rừng trái phép để trồng keo.


Địa điểm bị chặt phá nhiều nhất là rừng sản xuất, rừng ở những nơi hiểm trở, xa trung tâm, khó quản lý như tiểu khu 245, 257, 258. Có nhiều hộ đốt phá diện tích lớn, bị nhắc nhở và xử phạt nhiều lần nhưng vẫn cố tình vi phạm, buộc chính quyền đề nghị cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ khởi tố, điển hình là ông Hoàng Văn Thư (xóm Kim Sơn), Hoàng Văn Hùng (xóm Phú Lập).


Theo báo cáo của chủ rừng, chỉ trong năm nay, tại Hương Trạch diễn ra 36 vụ lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp với tổng diện tích gần 30 ha, trong đó 8,65 ha đã bị phát trắng, trồng keo. Tuy nhiên, theo nhận định của những người trong cuộc thì con số này còn lớn hơn và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.


Việc rừng bị xâm hại, lấn chiếm trái phép trong thời gian dài gây bức xúc cho chủ rừng, dư luận và chính quyền địa phương. Nhiều người dân cho biết, họ đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng không được xem xét, xử lý. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì sắp tới rừng Hương Trạch sẽ bị phát trắng, kể cả diện tích rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu. Đại diện chính quyền xã Hương Trạch cho rằng: “Để xẩy ra tình trạng này, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng, còn chính quyền địa phương đã làm hết trách nhiệm trong việc phối hợp xử lý. Khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã làm văn bản báo cáo cấp trên, kiểm lâm, chủ rừng nhưng không được quan tâm giải quyết nên nhân dân bức xúc và có ý kiến phản ánh”.


Bài toán khó trong công tác giữ rừng


Hiện nay, BQL rừng phòng hộ Ngàn Sâu có nhiệm vụ bảo vệ, PCCC tới gần 31 ngàn ha và quản lý, sử dụng gần 22 ngàn ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Trong khi đó, đơn vị chỉ có 43 cán bộ và nguồn kinh phí được cấp hàng năm chỉ đảm bảo khoảng 18% diện tích cần bảo vệ. Trong khi chủ rừng lực lượng mỏng, kinh phí ít, địa bàn rộng và phức tạp, nhu cầu đất rừng của người dân lại lớn, họ luôn liều lĩnh và manh động để chiếm được đất rừng. Khi các vụ việc được phát hiện, lập biên bản xử lý thì mức xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe.

Báo động tình trạng lấn chiếm đất rừng ở Hương Trạch

Khi các vụ việc được phát hiện, lập biên bản xử lý thì mức xử phạt còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe

Công tác tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên nên nhận thức, ý thức chấp hành của nhiều đối tượng còn hạn chế. Mặt khác, sự phối kết hợp giữa chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả nên các bên chưa phát huy được tối đa vai trò, trách nhiệm khi tiếp nhận và xử lý vụ việc.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Hùng – Trưởng BQL rừng phòng hộ Ngàn Sâu cho biết: “Việc xử lý vi phạm của các hộ lấn chiếm đất rừng đang gặp rất nhiều khó khăn vì chủ rừng không được phép xử phạt, trong khi các cơ quan chức năng lại cho rằng, rừng đã có chủ nên đùn đẩy trách nhiệm. Về phía đơn vị, trạm bảo vệ ở Hương Trạch chỉ có 4 cán bộ nên chúng tôi buộc phải điều động lực lượng ở những địa điểm khác về hỗ trợ. Hiện nay, tại các “điểm nóng”, chúng tôi đã làm lán trại, cắm tại vị trí 24/24h để bảo vệ rừng”.


Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Trần Xuân Lý cho biết thêm: “Hiện các bên đã có sự phối hợp nhưng chưa thực sự chặt chẽ. Chính quyền địa phương đã chủ động thành lập tổ công tác để xử lý các vụ việc. Tuy nhiên, ở địa phương hiện nay việc thì nhiều, người lại ít nên rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, do địa bàn rộng và hiểm trở nên khó lòng kiểm soát”.


Có thể khẳng định rằng, tình trạng lấn chiếm, xâm hại rừng ở Hương Trạch chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho chủ rừng mà còn gây bức xúc trong dư luận, mất ổn định tình hình cơ sở và có thể đem đến những hệ lụy xấu. Các cơ quan hữu quan cần tích cực vào cuộc và có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe, để sớm chấm dứt tình trạng này.


Tiến Dũng

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP