Đúng dịp kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, vào tối 21/6 đã diễn ra lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ IX năm 2014. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng trong buổi lễ trao giải.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh trao giải A báo chí quốc gia cho các tác giả. Ảnh: Như Ý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh trao giải A báo chí quốc gia cho các tác giả. Ảnh: Như Ý

Giải báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 đã nhận được 1.468 tác phẩm dự thi. Đây là năm thứ 3 liên tiếp có số tác phẩm gửi dự thi cao nhất với 177 tác phẩm xuất sắc, thuộc 4 loại hình báo chí vào chung khảo. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, phản ánh sinh động mọi mặt của đời sống, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước, có tính định hướng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 177 tác phẩm, có 118 tác phẩm được giải, gồm 9 giải A, 26 giải B, 54 giải C và 29 giải Khuyến khích.

Ở thể loại báo in, giải A thuộc về loạt bài “Việt Nam khẳng định chủ quyền bằng những chứng cứ pháp lý thuyết phục”, của một tác giả thuộc Báo Quân đội Nhân dân; loạt bài “Suy ngẫm từ tọa độ nóng” của Báo Năng lượng mới. Về Phát thanh có một số tác phẩm đạt giải A, như “Di chúc Hồ Chí Minh – Di chúc về con người, vì con người” của Đài Tiếng nói Việt Nam; loạt bài “Tuyên truyền chính trị, pháp luật cho công nhân, phải chạy nước rút” của Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai. Giải A duy nhất dành cho Báo Điện tử thuộc về tác phẩm “Câu chuyện Sam Lang: Chui vào túi nilông để… qua suối” của Báo Tuổi trẻ online…

Tại lễ trao giải, Nhà báo Thuận Hữu, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho biết, trong 90 năm qua, báo chí cách mạng đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ người làm báo lớp lớp trưởng thành, gánh vác sứ mệnh thông tin đại chúng thiết yếu, tuyên truyền cổ vũ việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Trước đây và hơn 22 nghìn hội viên nhà báo ngày nay đang ngày đêm tác nghiệp ở khắp mọi miền của đất nước. Đội ngũ nhà báo cách mạng luôn luôn tiên phong, có mặt nơi đầu sóng ngọn gió. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hơn 400 nhà báo đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ. Trong thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, luôn có mặt tại những điểm nóng, những vùng đất xa xôi của Tổ quốc.

“Hơn lúc nào hết, giới báo chí cả nước càng tự hào về truyền thống vẻ vang của mình cần phải nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Mỗi nhà báo phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh chóng tiếp cận thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo cách mạng, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì quyền lợi chính đáng và hạnh phúc của nhân dân”, nhà báo Thuận Hữu cho hay.

Phản ánh trung thực tình hình đất nước

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, trong suốt 90 năm qua, báo chí cách mạng luôn đồng hành cùng dân tộc, lớn lên cùng cách mạng, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Người làm báo đã thực sự là chiến sỹ, với cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén, góp phần xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong 45 năm kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, báo chí đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng.

Báo chí phải đấu tranh với cái xấu, cái ác - ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim trao giải B cho các tác giả. Ảnh: Như Ý

Trong thời kỳ đổi mới, báo chí cách mạng tiếp tục có những đóng góp to lớn với những bài báo mang tinh thần đổi mới, ủng hộ, cổ vũ, động viên những nhân tố mới, phong trào thi đua lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Những bài phóng sự, điều tra về những mô hình mới, những điển hình tiên tiến, hay chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã làm nức lòng nhân dân cả nước. “Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta ghi nhận và đánh giá cao vai trò và những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước trong 90 năm qua”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý, báo chí cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, góp phần  củng cố, tăng cường lòng tin của Nhân dân và Đảng, Nhà nước, vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…Đặc biệt, báo chí phải phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực trong mọi lĩnh vực. Báo chí cần phản ánh trung thực tình hình đất nước, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, là tiếng nói của Nhân dân, cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Báo chí cũng phải tích cực đóng góp vào các văn kiện Đại hội Đảng, góp phần phát hiện, ngăn chặn những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, cục bộ, phe cánh…

Loạt bài “7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc bên bờ vịnh Hạ Long” của báo Tiền Phong đạt giải khuyến khích

Năm nay, loạt bài “7.000 lít dầu chứa hóa chất siêu độc bên bờ Vịnh Hạ Long” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hoài (Nguyễn Hoài), Đỗ Huy Hoàng (Đỗ Hoàng) – Chi hội Nhà báo báo Tiền Phong vinh dự nhận giải khuyến khích và hai tác phẩm khác được lọt vào vòng chung khảo.

Nhà báo Phạm Minh Thùy- Thường trú báo Tiền Phong tại Hà Tĩnh (thuộc Ban đại diện Nghệ An) vừa đoạt 2 giải báo chí do tỉnh Hà Tĩnh tổ chức trong năm 2015: Giải B cuộc thi viết về gương người tốt việc tốt do UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức; giải B cuộc thi Công an Hà Tĩnh 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành do Công an Hà Tĩnh tổ chức.

Dũng Nguyễn – Quang Long