Trung Quốc

Bản tin ngày 26/5: Vì sao giàn khoan TQ bị dịch chuyển 100m?

* Hôm qua (25/5), theo thông tin từ phóng viên Đài truyền hình Việt Nam tác nghiệp tại hiện trường nơi Trung Quốc đang cho hạ đặt giàn khoan trái phép đã ghi nhận sự dịch chuyển nhất định vị trí của giàn khoan Hải Dương 981, tính theo hướng nam tây nam ở khoảng cách 10 hải lý.

Tin mới nhất từ Bộ Tư lệnh cảnh sát biển cho biết, Trung Quốc đã cho dịch chuyển giàn khoan trái phép Hải Dương 981 cách khoảng 100m so với vị trí ban đầu hạ đặt. Hành động này của Trung Quốc có mục đích gì?
Mít-tinh phản đối hành động Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam tại Australia ngày 25/5/2014.

Ngày hôm nay (26/5), Đại tá Ngô Ngọc Thu – Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam đã xác nhận thông tin này và cho biết hiện giàn khoan Hải Dương 981 đã dịch chuyển cách vị trí hạ đặt ban đầu khoảng 100m. “Tuy nhiên, đây có thể chỉ là một sự dịch chuyển về mặt kỹ thuật, còn chi tiết hơn thì chúng tôi vẫn đang cho theo dõi một cách sát sao nhất”, ông Thu nói.

Đại tá Ngô Ngọc Thu cũng cho rằng, bằng mắt thường thì rất khó có thể thấy được sự dịch chuyển vị trí này, và hiện tại, vẫn chưa làm rõ được mục đích dịch chuyển giàn khoan trái phép của Trung Quốc.

Clip ghi lại dấu hiệu dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương 981 do phóng viên Đài truyền hình Việt Nam ghi lại. 

*Ngoài hành động di dời giàn khoan chưa rõ mục đích, phía Trung Quốc hiện cũng đã cho rất nhiều tàu cá bám sát Hải Dương 981, mục đích có thể là để bảo vệ việc di dời. Trung Quốc đã điều hơn 30 tàu cá có trọng tải lớn đi theo thành hàng dài với tốc độ cao bảo vệ giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên bán kính rộng hơn. Quan sát tại hiện trường, có thể Trung Quốc đang chuyển giàn khoan 981.

* Đến nay, đã có 4 tàu kiểm ngư của Việt Nam hư hỏng do Trung Quốc tấn công trong 3 ngày qua. Trước đó, sáng 23/5, tàu kéo của Trung Quốc đã đâm hỏng mạn trái tàu HP 926 với chiều dài 17m, trong đó 3m sập hoàn toàn. Chiều 23/5, tàu kiểm ngư 628 thuộc một biên đội kiểm ngư khác cũng bị đâm thủng mạn, nước tràn vào, tàu kiểm ngư 630 phải đến bơm nước cứu hộ. Khi tàu kiểm ngư 630 quay ra thì gặp nhiều tàu Trung Quốc vây chặn, phun vòi rồng, làm vỡ kính, hư hỏng nhiều thiết bị.

Tàu kiểm ngư 762 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng đã được đưa vào sửa chữa tại Đà Nẵng – Ảnh: Hữu Khá – Báo Tuổi Trẻ

* Hai tàu kiểm ngư mang số hiệu 762 và 703 đã cập bến Tiên Sa (Đà Nẵng) chiều 25/5 để sửa chữa và tiếp tục lên đường. Trên thân tàu, cùng những vết đâm toạc hông tương tự, nhưng ở tàu kiểm ngư 762 vết đâm lại chếch phía sau đuôi tàu. Vụ đâm trực diện của tàu Trung Quốc 37102 vào tàu kiểm ngư 762 của Việt Nam ngày 3-5 đã khiến một phần mái che trên boong tàu bị bung, rách hoàn toàn.

Anh Đoàn Bảo Anh, Chỉ huy biên đội tàu kiểm ngư trên tàu 762 cho biết: “25 ngày đối đầu với Trung Quốc là 25 ngày con tàu này bị va, đâm nhiều nhất, bởi 762 là tàu xung kích, bị Trung Quốc tìm cách truy cản liên tục. Nhưng với chúng tôi, mọi hành vi ấy không hề có ý nghĩa gì cả”.

Đúng 20g ngày 25/5 (chỉ ba giờ sau khi cập bờ), cả hai con tàu mang đầy vết thương 703 và 762 từ từ rời cầu cảng tiến vào khu vực sửa chữa. Phía trên boong, các thủy thủ đang tranh thủ tắm giặt, số còn lại lên bờ đi mua sắm các vật dụng cá nhân chuẩn bị cho chuyến đi mới. Tất cả đều trong tư thế sẵn sàng cho những cuộc đối đầu mới.

* Want China Times dẫn nguồn Kanwa Defense Review nói 3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được nhìn thấy gần vùng biển ngoài khơi đảo Hải Nam. 3 tàu ngầm này có thể là lớp Tấn, Type 094 mang tên lửa đạn đạo.

Mỗi tàu này mang được 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 và là phiên bản cái tiến Type 094s hoặc tàu ngầm thế hệ mới lớp Đường, Type 096. Trong khi đó, các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy các tàu ngầm Type 092 lớp Hạ của Trung Quốc hiện vẫn có mặt tại cảng này và trong tương lai gần rất có thể sẽ được thay thế bởi các tàu ngầm Type 094.

* Sáng 26/5, tàu cá QNg 96417 TS, do ngư dân Dương Văn Giàu (thôn Đông, xã An Hải, huyện Lý Sơn) cập bờ trong tình trạng bị đập phá tan nát. Ông Dương Văn Giàu, chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân cho biết, tàu của ông xuất bến rời đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa vào ngày 23/4. Đến tối ngày 7/5, khi đang cho tàu hoạt động gần đảo Colin (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) để lặn bắt hải sâm thì bất ngờ tàu Hải cảnh của Trung Quốc xuất hiện.

Họ hung hăng cho tàu áp sát mạn tàu cá. Sau đó, cho 3 xuồng máy cao tốc cùng lực lượng bao vây tàu cá QNg 96417 TS để uy hiếp. Họ không nói không rằng, đằng đằng sát khí, tay lăm lăm rùi cui điện và tuýp sắt hung hăng nhảy lên tàu cá chặt phá dây hơi, đánh đập ngư dân rồi cướp toàn bộ trang thiết nghề cá từ máy Icom, máy định vị, máy dò cá và lấy đi gần 400 con hải sâm vừa khai thác được; đồng thời ép chúng tôi phải cho tàu quay trở về đất liền. Bị cướp hết phương tiện liên lạc, thiết bị định vị, ông Giàu và 11 ngư dân trên tàu đành thả trôi con tàu mong gặp được thuyền bạn cứu giúp.

Đến chiều ngày 9/5, tàu QNg 96417 TS được ngư dân địa phương phát hiện và liên lạc được vào đất liền trình báo. Đồng thời mượn ngư cụ từ tàu bạn để tiếp tục bám biển.

* Ngày 25/5, tại Sydney, cộng đồng người Việt và các du học sinh tại Australia đã mít-tinh trước Tòa thị chính để phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Cuộc mít-tinh diễn ra giữa trung tâm Sydney nên thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân Sydney, và các du khách. Đã có khoảng 300 người tham gia, giơ cao những lá cờ đỏ sao vàng cùng những biểu ngữ, thể hiện lòng yêu nước và phản đối Chính phủ Trung Quốc.

* Dư luận đang rất quan tâm về vấn đề liệu có nên kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế hay không khi nước này ngang nhiên đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Để trả lời cho câu hỏi này, TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ, cũng đã đưa ra một vài nhận định. Theo ông, “đây là một trong những phương thức giải quyết hòa bình các tranh chấp trong quan hệ quốc tế”.

Ông nhận định, Việt Nam có thể thực hiện giải pháp này như các tuyên bố chính thức trước đó. Tuy nhiên, với hành vi phủ nhận tham gia các vụ kiện tranh chấp chủ quyền (như đã từng làm với Philippines), việc kiện Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì Tòa án quốc tế đòi hỏi phải có cả hai bên thỏa thuận đưa vụ việc ra trước pháp luật.

*Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam đã làm phương hại tới mối quan hệ của hai bên, trong đó có quan hệ kinh tế. Về phía Trung Quốc, đây không phải là hành động giúp ích gì cho nền kinh tế của quốc gia này.

Ông Lê Duy Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định: “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa đường biển, đặc biệt là những tuyến hàng hải từ khu vực TP.HCM đi về phía Bắc Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc”. Ông Lê Duy Hiệp nhấn mạnh: “Có thể nói, hành động gây căng thẳng của Trung Quốc đang làm phương hại đến quá trình phát triển kinh tế, giao lưu thương mại, xuất nhập khẩu của các nước láng giềng và cả thế giới, trong đó có chính họ”.

*Cộng đồng người Hoa sinh sống ở Bình Thuận cực lực phản đối hành động ngang ngược này của Trung Quốc. VOV trích dẫn lời phát biểu của một số Hoa kiều tại Việt Nam. Cụ thể, ông Tô Đạt Bửu, người Hoa, Trưởng Ban quản lý Quan đế miếu (Chùa Ông), thành phố Phan Thiết,phát biểu: “Chúng tôi là người Hoa, dân tộc Hoa, rất ái ngại và lo lắng. Chúng tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam và coi Việt Nam là quê hương, đất nước mình. Trước hành động của Trung Quốc, chúng tôi rất bất bình bởi Trung Quốc quá ngang nhiên, ngạo mạn”.

Phan Sương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP