Pháp luật

Bác sĩ Lương: 'Trách nhiệm của tôi là chữa bệnh, không liên quan máy móc'

"Nếu bệnh nhân tử vong do tôi làm sai y lệnh thì tôi sẽ chịu trách nhiệm, còn do người ở vị trí khác làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm”, bác sĩ Hoàng Công Lương phản ứng với cáo trạng buộc tội mình.

Bác sĩ Hoàng Công Lương đến toà chiều 15-5 - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều nay 15-5, phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương và 2 bị cáo trong vụ án 8 bệnh nhân chạy thận tử vong tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tiếp tục với phần thẩm vấn.

Trước đó, trong phiên buổi sáng, nhiều luật sư của bị cáo và bị hại lên tiếng đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập ông Trương Quý Dương - nguyên giám đốc BVĐK Hoà Bình - và ông Đỗ Anh Tuấn - giám đốc Công ty Thiên Sơn - cũng như một số cá nhân khác để làm rõ các vấn đề còn gây tranh cãi.

"Bác sĩ không thể biết chất lượng nguồn nước"

Trao đổi với báo chí sau phiên buổi sáng, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết đã có ý kiến với HĐXX về việc không đồng ý với quy kết trong bản cáo trạng.

"Trách nhiệm của những người bác sĩ như chúng tôi là khám và điều trị cho bệnh nhân, không liên quan đến việc sửa chữa thiết bị và chất lượng nguồn nước do đơn vị khác đảm nhận", bác sĩ Lương giải thích.

"Bản thân tôi chỉ chịu trách nhiệm về y lệnh của tôi. Nếu bệnh nhân tử vong do tôi làm sai y lệnh thì tôi sẽ chịu trách nhiệm, còn do người ở vị trí khác làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm".

Nói về trách nhiệm của ông Trương Quý Dương - người là giám đốc bệnh viện vào thời điểm xảy ra sự cố nghiêm trọng làm 8 bệnh nhân tử vong, bác sĩ Lương chia sẻ: "Nếu ông Dương đến dự phiên toà thì sự việc sẽ rõ ràng hơn. Việc ông Dương và những người liên quan không có mặt, tôi nghĩ tính khách quan của phiên toà sẽ rất khó".

Ông Hoàng Công Tình - trưởng khoa Hồi sức tích cực BVĐK Hòa Bình - cũng cho rằng nội dung cáo trạng không phản ánh đúng bản chất vấn đề và không khách quan, chưa đúng người đúng tội.

"Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hoà Bình quy kết như vậy đối với bác sĩ Lương thì chính chúng tôi và nhân viên ngành y tế cũng sẽ trở thành những 'bị can dự bị' trong tương lai. Vì chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm được những việc ngoài khả năng của chúng tôi", ông Tình giải thích.

3 bị cáo có mặt tại tòa chiều 15-5 - Ảnh: DANH TRỌNG

Ông Trương Quý Dương có vô can?

Nguyên giám đốc BVĐK Hoà Bình đã có đơn xin vắng mặt ngày trước khi phiên toà diễn ra, viện lý do đã xuất cảnh ra sang nước ngoài. Yêu cầu triệu tập ông Dương của luật sư Lê Văn Thiệp và các luật sư khác vì thế đã bị toà từ chối.

Công an tỉnh Hòa Bình cho rằng hành vi của ông Dương liên quan đến vụ án đã được làm rõ trong quá trình điều tra, đến nay chưa có biện pháp tố tụng nên ông này không nằm trong diện cấm xuất cảnh, không mất quyền công dân.

Theo kết luận điều tra của công an tỉnh, ông Trương Quý Dương ở thời điểm là giám đốc BVĐK Hòa Bình đã phân công nhiệm vụ cụ thể trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trong việc thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa hệ thống lọc, ông Dương đã giao trách nhiệm cho Phòng vật tư phối hợp với Khoa hồi sức tích cực.

Kết quả điều tra xác định trong quá trình thực hiện sửa chữa thiết bị, Phòng vật tư và Khoa hồi sức tích cực không báo cáo về tiến độ, cách thức thực hiện để giám đốc nắm bắt, chỉ đạo.

Về việc ký hợp đồng với ông Đỗ Anh Tuấn - giám đốc công ty Thiên Sơn, công an tỉnh kết luận là đúng quy định pháp luật. Việc công ty Thiên Sơn "bán cái" lại cho công ty Trâm Anh, theo kết luận điều tra, là việc ký hợp đồng với bên thứ 3, không thông báo cho bệnh viện nên ông Dương không biết.

Tuy nhiên trong quá trình lãnh đạo, điều hành, ông Trương Quý Dương chưa chỉ đạo ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành Thận tiết niệu cho phù hợp để thực hiện tại BVĐK Hòa Bình, dẫn đến việc không có văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân đối với quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật nhân tạo.

Cơ quan điều tra xét thấy trách nhiệm của ông Trương Quý Dương không có quan hệ nhân quả trực tiếp với hậu quả làm chết 8 người trong vụ chạy thận ngày 29-5-2017, nên không xem xét, đề cập trách nhiệm hình sự đối với ông Dương.

Tuy nhiên ông Dương phải chịu trách nhiệm hành chính liên đới của người đứng đầu đơn vị, cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh Hòa Bình xử lý sai phạm về mặt hành chính theo quy định của ngành đối với ông Dương.

Tác giả: THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: Bác sĩ Lương , chạy thận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP