Quốc hội khóa XIV

Bà Nguyệt Hường ‘âm thầm’ nhập quốc tịch Malta

“Người ta âm thầm nhập tịch nước khác nên không thể biết được, chỉ khi nhập xong cơ quan chức năng mới phát hiện ra”, ông Nguyễn Hạnh Phúc lý giải về trường hợp bà Nguyệt Hường.

Trao đổi với báo chí sáng 18/7, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngày 15/7, Hội đồng bầu cử mới tiếp nhận thông tin vi phạm Luật quốc tịch của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từ phía cơ quan chức năng. Ngay sau đó, bà Hường có đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội.

Theo ông Phúc, bà Nguyệt Hường là một trong 31 người được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV. Trong quá trình hiệp thương chưa phát hiện ra việc này.

“Thú thực là khó phát hiện, vì người ta âm thầm nhập tịch nước khác nên không thể biết được, chỉ khi nhập xong cơ quan chức năng mới phát hiện ra”, ông Phúc nói.

Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử chưa có thông tin chi tiết việc bà Hường nhập quốc tịch Malta, song cũng nhìn nhận, việc được làm công dân quốc đảo này “phải có điều kiện, theo quy định” của nước sở tại.

Ba Nguyet Huong 'am tham' nhap quoc tich Malta hinh anh 1
Ông Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi bà Nguyệt Hường còn bị xem xét vì những lý do nào nữa, ông Phúc khẳng định đến thời điểm này mới phát hiện vi phạm hộ tịch và điều đó đã đủ cơ sở kết luận bà Hường không đủ tư cách đại biểu Quốc hội.

Ông lý giải, Luật hộ tịch quy định, người Việt Nam ở trong nước có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, khi muốn nhập hộ tịch nước khác thì phải thôi quốc tịch Việt Nam. Còn với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, luật cho phép họ giữ quốc tịch Việt Nam, để gắn bó với quê hương đất nước.

Theo Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, sau trường hợp này, việc rà soát sẽ được tiến hành và làm suốt cả nhiệm kỳ, nếu vi phạm thì xử lý.

Bà Nguyệt Hường ứng cử tại đơn vị bầu cử số 5 TP Hà Nội (gồm các huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức), trúng cử với tỷ lệ tín nhiệm cao nhất (78,51%).

Về trách nhiệm của cơ quan bầu cử địa phương đối với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, ông Phúc cho hay: “Ông Thanh do Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang giới thiệu, hiệp thương qua các vòng. Ở đây có việc hồ sơ không trung thực, không rõ ràng, người dân không biết, có thể nhiều người cứ tưởng ông này qua chức này, chức nọ là ‘ghê gớm’ lắm”.

Sinh năm 1970 tại Nam Định, bà Hường là một doanh nhân có quá trình hoạt động trong cơ quan dân cử khá dài (đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, đại biểu HĐND TP Hà Nội 1999 – 2011).

Trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bà Hường khai là chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam; Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội; Phó trưởng Ban đối ngoại của Hội đồng Nữ doanh nhân thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam; Phó chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP Hà Nội; Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội nữ Doanh nhân Việt Nam.

Nhật Lâm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP