Người đương thời

Anh thương binh mù làm kinh tế giỏi

Hai mươi năm lặn lộn để phát triển kinh tế gia đình và xây dựng quê hương, cũng là ngần ấy năm anh tìm cho mình một hướng đi đúng đắn trong bóng tối khi chiến tranh đã cướp đi đôi mắt của anh với thương tật 8/10. Anh thương binh hạng ¼ ấy là anh Phạm Xuân Ánh, 45 tuổi, trú tại xứ đạo Tân Thành, Xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.


Những ngày đầu của Thế kỷ 20, theo tiếng gọi của núi sông, anh vác cuốc lên khai phá hơn 35 ha rừng. Như lời anh nói thì “bây giờ cho người ta hết, còn lại 20 ha thôi, mình để trồng rừng”. Ban đầu anh dự tính khai hoang rừng để nuôi bò. Hi vọng với cỏ đồi, bò có thể gặm quanh năm mà không cần mình cắt cỏ cho nó. Nhưng dự án ấy của anh thất bại, nhiều lúc anh rất chán nản. Người lại thường xuyên đau nhức, tê buốt khi trái gió trở trời. Nhưng rồi có thêm nghị lực, sự động viên của gia đình, bà con chòm xóm , anh lại đứng lên, đi bằng đôi chân của mình. Nhiều người dân thấy anh chăm chỉ, chịu khó lại càng cảm phục nghị lực của anh thương binh có cái tâm rất sáng.



Hạnh phúc bên con



Năm 1994, với sự cảm phục và tình yêu lớn lao, vượt qua nhiều nỗi đau, chị Nguyễn Thị Cảnh (37 tuổi) đã lên xe hoa về chung sống với người thương binh có nghị lực, quyết tâm này. Niềm vui nhen nhóm chưa được bao lâu thì anh Ánh bị mù vĩnh viễn. Chị là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao, tuyệt đối đối với anh. Những lúc “ông trời làm tội làm tình”, nhìn anh đau mà chị không cầm được nước mắt. Nhưng sau mỗi lần như thế, chị lại an ủi chồng, động viên chồng đừng nhụt chí. Anh cũng nghĩ “mình là người may mắn từ chiến trường về, không nhẽ giờ bỏ cuộc trước hoàn cảnh này”. Có một người vợ chung thủy, đảm đang, anh yên tâm tìm cách phát triển kinh tế cho gia đình, đồng thời góp phần xây dựng quê hương.



Khi đã tìm hiểu về mô hình trồng rừng của các hộ đi trước, anh khẳng định, cây tràm, keo là loại cây phù hợp với đất đồi nhất. Nó sống khỏe mà không cần chăm sóc nhiều, hiệu quả kinh tế lại cao. Anh vay 100 triệu tiền vốn, bắt tay vào xây dựng vườn đồi của mình từ khi đồi chỉ có những loại cây cỏ mọc sát đất. Đến nay rừng keo, rừng tràm của anh đã phủ kín một màu xanh bạt ngàn. Nhiều gốc cây lớn hơn cái cột nhà. Năm 2007 anh thu hoạch lứa cây đầu tiên. Cái tên Phạm Xuân Ánh ngày càng được bà con trong xứ nhắc nhiều và lấy làm gương cho con cháu.



Khi đã tích lũy được ít vốn, anh mua máy xay về phục vụ bà con trên địa bàn để kiếm thêm thu nhập. Hết trang trại lại về với nghề xay xát, người ta thấy anh không lúc nào ngơi tay. Có máy xay, anh kết hợp chăn nuôi lợn nái, lợn thịt. Ban đầu anh bàn vợ mua 3 con lợn nái về làm giống, cho sinh sản. Rồi sau đó nuôi dần, bán đi làm lợn thịt. Một lứa như thế, lợn sinh khoảng 20 – 25 con. Thu nhập của anh hàng năm trên dưới 100 triệu đồng, thực sự là tấm gương cho bà con học tập.



Với sự cố gắng và vượt lên hoàn cảnh bằng mọi cách, anh đã xây dựng cho mình một cơ ngơi khang trang – ngôi nhà bia cao thoáng, đẹp đẽ bên con đường lớn. Các con anh, đứa lớn đã 17, còn đứa út cũng 1 tuổi rưỡi đều chăm ngoan, học giỏi, biết phụ giúp cha mẹ lúc nhàn rỗi. Hàng năm anh đều được nhận bằng khen của Hội Người mù, Hội Cựu chiến binh, Hội Thương binh.



Lúc trời đã xế bóng, anh còn đắn đo câu chuyện không biết có nên nói với chúng tôi. Anh tâm sự “Tui trồng rừng phủ kín đồi trọc lâu giờ mà vẫn chưa có Dự án nào cả. Nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Chính quyền, Nhà nước thì một mình tui không trụ nổi. Mong sao nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, phân bón và giống để tui tiếp tục phát triển trên mảnh đất quê hương”.



Đàm Thanh Hòa (SV)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP