Xã hội

Anh em ruột làm con nuôi ở Pháp về Việt Nam tìm mẹ

Cả hai anh em rời mẹ từ lúc đỏ hỏn, đều làm con nuôi và ở cùng một thành phố bên Pháp nhưng không hề biết nhau. Nay họ lần lượt trở về tìm mẹ và trùng phùng với người thân trong nước mắt…

Liên tiếp trong các ngày 20, 21 và 22-11, trên mạng xã hội Facebook, hàng ngàn người đã chia sẻ thông báo của một tài khoản giúp tìm mẹ ruột cho anh Paul Capo Bianco (có tên Việt là Nguyễn Việt Nam, 23 tuổi). Anh Bianco là người Pháp gốc Việt, đã rời khỏi vòng tay mẹ từ lúc mới lọt lòng.

Dây rốn chưa khô đã rời tay mẹ

Theo giấy chứng sinh của BV Từ Dũ (TP.HCM) thì Bianco sinh ngày 17-2-1994 và chỉ hai ngày sau thì người mẹ (tên NTTP, sinh năm 1966, lúc đó 28 tuổi) đã gửi con tại cô nhi viện Mầm non 2, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM. Hai tháng sau, ngày 12-4-1994, một cặp vợ chồng người Pháp hiếm muộn đến Việt Nam du lịch. Khi vào cô nhi viện làm từ thiện, thấy cậu bé kháu khỉnh, họ đã làm thủ tục xin nhận con nuôi và sau đó đưa cậu bé về Marseille (Pháp).

Theo người hàng xóm của gia đình ở Pháp, từ lúc lên 10 tuổi, nhận thấy sự khác biệt về ngoại hình của mình với cha mẹ và mọi người xung quanh, Bianco đã thắc mắc rồi hỏi cha mẹ cho bằng được về gốc gác của mình. Do đó cha mẹ nuôi của Bianco buộc phải nói ra sự thật.

Từ khi biết tên tuổi người mẹ và địa chỉ ở xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, Bình Thuận, Bianco luôn đau đáu mong được có ngày về lại quê hương ngã vào vòng tay mẹ. Một lần, sau khi học xong trung học, chàng trai này đã tâm sự với người hàng xóm rằng tận sâu trong tim cậu luôn hy vọng được sờ, chạm vào khuôn mặt của mẹ để được nghe hơi ấm của vòng tay ôm.

Hai tháng trước mẹ nuôi của Bianco đổ bệnh nặng, biết không qua khỏi, bà đã đưa toàn bộ giấy tờ gồm giấy cho con, giấy chứng sinh để giúp Bianco có cơ sở về quê hương tìm mẹ ruột. Không lâu sau, người mẹ nuôi của Bianco qua đời. Người mẹ nuôi mất đã khiến Bianco vô cùng hụt hẫng. Anh quyết định phải trở về Việt Nam để sớm tìm mẹ ruột.

Sau khi biết tin, Paul Capo Bianco đã tức tốc đến Biên Hòa (Đồng Nai) gặp cha ruột là ông Lương Hùng Tuấn. Ảnh: B. PN

Cuộc trùng phùng đầy nước mắt

Chiều muộn 21-11, Bianco cùng bạn gái người Pháp mang những tài liệu, hồ sơ về gốc gác của mình mang tên Nguyễn Việt Nam bay về đất mẹ.

Sáng 23-11, sau khi nhận những phản hồi tích cực từ Facebook, chàng trai người Pháp đã tức tốc đến Biên Hòa (Đồng Nai) gặp cha ruột là ông Lương Hùng Tuấn và anh đầu lớn hơn hai tuổi.

Không nhà, không cửa, ông Tuấn và con trai nhiều năm qua phải sống lây lắt bằng nghề phụ hồ ở Đồng Nai. Mấy hôm trước, ông Tuấn bị tai nạn và được con trai đưa vào BV đa khoa Đồng Nai điều trị. Tuy nhiên, khi vết thương chưa lành, ông Tuấn và con trai đã phải ra đường gần đó để lao động kiếm sống.

Kể sao cho hết giây phút đoàn tụ, trùng phùng giữa hai cha con và anh em cùng máu mủ, ruột rà tại một quán nước ven đường, cạnh bệnh viện. Suốt buổi trùng phùng, ông Tuấn liên tục quàng đôi tay ốm nhách, chai sần lên vai con trai rồi gục đầu khóc. Những giọt nước mắt hối hận của người cha khi bỏ rơi con từ lúc còn đỏ hỏn trong phút trùng phùng hẳn đã bớt phần mặn chát.

Còn Bianco thì mắt đỏ quạch, anh liên tục hối thúc mọi người cùng lên xe để nhanh đến được Suối Kiết gặp mẹ mình. Chàng trai này đâu biết rằng người mẹ thương yêu từng rứt ruột sinh ra mình đã mất vì bạo bệnh cách nay bốn năm.

15 giờ hôm qua (23-11), Bianco đến xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, Bình Thuận.

Vừa bước vào nhà, thấy di ảnh người phụ nữ, Bianco đã linh cảm có điều không lành. Chàng trai này đã khóc nấc lên khi biết mẹ ruột mình không còn nữa. Rồi anh ôm chặt chị ruột ở gần đó khóc ngon lành như đứa trẻ. Bianco đâu ngờ giây phút trùng phùng gặp lại sau 23 năm với mẹ không phải bằng hình hài, bằng xương bằng thịt mà chỉ là tấm di ảnh trong căn nhà xiêu vẹo.

Bianco cùng cha và anh vào sáng 23-11 (ảnh trên) và Bianco cùng chị gặp nhau vào chiều 23-11. Ảnh: BPN

Núm ruột thứ hai cũng làm con nuôi bên Pháp

Cuộc đời của bà P., mẹ Bianco, là cuộc đời truân chuyên, đa đoan và đầy nước mắt.

Sinh được hai con, ông Tuấn và bà P. bồng bế các con vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Thuê một căn phòng trọ nhỏ xíu ở quận Bình Thạnh, mỗi sáng mỗi người dắt một đứa con rã cẳng khắp hang cùng ngõ hẻm để kiếm sống. Rồi bà P. có bầu, khi sinh ra Bianco, biết không thể nào nuôi nổi, bà đành rứt ruột cho đứa con trai khôi ngô còn đỏ hỏn khi nó chỉ mới hai ngày tuổi. Sau đó, vợ chồng họ dắt díu nhau về quê và phải nói dối là đứa trẻ sơ sinh đã mất để tránh dị nghị và bị người đời nguyền rủa.

Gần hai năm sau, bà P. lại vỡ “kế hoạch”. Và một lần nữa ông Tuấn lại đưa vợ vào Sài Gòn. Lần này, vì đã quá khánh kiệt nên họ đành dắt díu nhau ngửa tay đi ăn xin khắp nơi.

Đầu năm 1996, bà P. chuyển dạ, người chồng đã đưa vợ đến BV Từ Dũ và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Lần này, cũng sau hai ngày, bà P. một lần nữa rứt ruột gửi đứa con sơ sinh vào cô nhi viện Tam Bình.

Bà P., người phụ nữ đã mất, là người đáng thương hơn đáng trách khi rứt ruột mang những đứa con của mình cho đi. Tất cả chẳng qua vì hoàn cảnh bà quá nghèo khổ, bà không biết chọn lựa con đường nào khác.

Nhưng rồi những đứa con của bà lần lượt trở về đất mẹ. Bianco vừa khóc sụt sùi vừa thắp nhang vái lạy mẹ mình. Ánh nắng chiều chiếu lấp lánh lên tấm kính trên di ảnh khiến người chứng kiến như thấy người mẹ này đang mỉm cười…

Và lạ lùng thay, vài tháng sau, đứa trẻ này cũng được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi và đặt tên là Thomas.

Sống với nhau thêm một thời gian nữa, bà P. và ông Tuấn chia tay. Sau đó bà P. đi bước nữa với ông G. tại xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh. Đến năm 2012 thì bà qua đời do bạo bệnh. Ông G. đã lập bàn thờ để di ảnh vợ và đón tiếp đứa con trai lưu lạc của vợ với tất cả ân tình.

Thomas cùng bạn gái người Pháp gặp người thân tại xã Suối Kiết, huyện Tánh Linh, Bình Thuận gần một tháng trước. Ảnh: BPN

Gần một tháng trước, Thomas cùng với bạn gái sau khi tìm hiểu đã bay về Việt Nam thăm mẹ. Cũng giống người anh Bianco, Thomas đã gục xuống khóc òa như một đứa trẻ khi biết mẹ mình đã mất vì bạo bệnh bốn năm trước đó.

Thực hiện mơ ước đau đáu từ đáy lòng của đứa con xa mẹ 21 năm qua, khi thắp nhang cho mẹ, Thomas đã ôm chặt tấm di ảnh người đã rứt ruột sinh ra mình vào lòng như không muốn rời xa mẹ. Tiếng nấc nghẹn của anh khiến những người chứng kiến thấy mắt cay xè…

Anh em ruột sẽ tìm nhau khi về Pháp

Điều trùng hợp khá ngạc nhiên là có thông tin Bianco và người em trai cùng huyết thống Thomas cùng ở chung thành phố cảng Marseille của nước Pháp. Thế nhưng hàng chục năm qua, hai anh em họ chưa hề giáp mặt. Theo Bianco, lần quay lại Pháp sắp tới, bằng bất cứ giá nào anh cũng sẽ tìm được người em trai ruột thịt có hoàn cảnh như mình.

Chiều 23-11, trao đổi qua điện thoại bằng tiếng Pháp với chúng tôi, Paul Capo Bianco nói: “Dù mẹ không còn nhưng tôi cũng phần nào mãn nguyện vì đã có cơ hội trở về quê hương gặp gỡ người thân sau thời gian dài xa cách. Đặc biệt, tôi sẽ liên hệ với người em trai hiện sống ở Pháp để anh em chúng tôi sớm được đoàn tụ”.

Tác giả: Phương Nam

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP