Kinh tế

Ai bỏ nghìn tỷ cứu bầu Đức, Cường đô la?

Tuần qua, nhiều doanh nghiệp phải công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất có lẽ vẫn là thông tin về một số đại gia đã “cứu” 2 đại gia phố núi.

Sụt lãi 90%, bầu Đức vẫn vui vì “nhẹ gánh nợ”

Doanh thu thuần quý II của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã chứng khoán HAG) đạt 1.894 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2017. Mức tăng này chủ yếu dựa vào kết quả khả quan của mảng trái cây.


Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các hoạt động kinh doanh khác của HAGL lại trầm xuống. Doanh thu bán bò giảm tới 214 tỷ đồng so cùng kỳ (mức giảm gần 85%), chỉ còn 38 tỷ đồng trong quý II. Doanh thu bán mủ cao su sụt giảm mạnh 139 tỷ đồng (gần 90%) so với quý II/2017, chỉ còn vỏn vẹn 16 tỷ đồng.

Tuy nhiên, áp lực nợ giảm là một yếu tố “cộng điểm” đối với HAGL trong bối cảnh đến nay tập đoàn này vẫn còn tổng cộng 36.851 tỷ đồng nợ phải trả. Cụ thể, chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu trong kỳ đã giảm 59 tỷ đồng còn 429 tỷ đồng do dư nợ vay giảm.

Tham vọng “ông trùm”, đại gia Nhượng Tống bất ngờ “sụt hố”

Phiên giao dịch 30/7, trong khi thị trường đang chuyển biến tích cực thì cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 vẫn bị bán ra mạnh. Mã này tiếp tục có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp, mất 15.200 đồng/cổ phiếu còn 202.400 đồng. Trước đó, trong hai phiên cuối tuần trước, mã này cũng giảm kịch sàn.

Kết phiên 30/7, YEG vẫn còn dư bán sàn, không có dư mua trong khi khớp lệnh rất thấp, chưa tới 30 nghìn đơn vị (khoảng 6 tỷ đồng).

Chủ tịch Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống trở thành đại gia "nghìn tỷ" sau khi đưa cổ phiếu Yeah1 lên sàn (ảnh: NĐT)

Đến sáng ngày 31/7, mã này vẫn trong xu hướng. Gần hết phiên sáng mà mới chỉ có duy nhất 1 lệnh khớp, thị giá tiếp tục lùi về 200.000 đồng.

Cổ phiếu YEG diễn biến bất lợi dù công ty này vừa báo kết quả kinh doanh quý II/2018 công ty mẹ tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ 2017. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ Yeah1 trong quý II năm nay đạt hơn 39 tỷ đồng, tăng 1.023% so với quý II/2017.

Theo lý giải của lãnh đạo Yeah1, nguyên nhân tăng lãi mạnh của doanh nghiệp là nhờ trong kỳ, công ty mẹ đã ghi nhận phần cổ tức được chia từ các công ty con, trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty mẹ không có các phần cổ tức được chia này.

Lộ danh sách loạt đại gia cho Quốc Cường Gia Lai vay cả nghìn tỷ đồng

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường – mã chứng khoán QCG) vừa công bố báo cáo tài chính quý II và nửa đầu năm 2018.

Số liệu tại báo cáo này cho thấy, trong quý II vừa rồi, Quốc Cường đạt tổng doanh thu 110,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ hơn 397 tỷ đồng (tương ứng giảm hơn 78% so với quý II/2017).


Theo giải trình của bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch Quốc Cường cho biết, lý do là bởi công ty chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng và trong kỳ này, công ty cũng không có thu nhập từ chuyển nhượng đầu tư tài chính.

Theo báo cáo tài chính đến 30/6/2018, Quốc Cường đang có 1.949,6 tỷ đồng khoản phải trả.

Trong đó, Quốc Cường đang mượn 259,5 tỷ đồng từ bà Nguyễn Thị Như Loan, mượn bà Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) 147,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quốc Cường còn có giao dịch mượn 269,6 tỷ đồng từ bà Lại Thị Hoàng Yến, mượn bà Nguyễn Thị Ánh Nguyên 362,6 tỷ đồng, mượn bà Hồ Thị Diệu Thảo hơn 84 tỷ đồng; mượn ông Hồ Viết Mạnh (cổ đông) 45,5 tỷ đồng và ông Lại Thế Hà (cổ đông) 63,2 tỷ đồng.

Bán đất, “bán con”, đóng cửa nhà máy… đại gia Dương Ngọc Minh vẫn ôm lỗ “khủng”

Quý III/2018, doanh thu thuần của Hùng Vương vẫn giảm mạnh hơn 58%, đạt gần 1.452 tỷ đồng. Với giá vốn hàng bán ở mức cao, chiếm gần 96% doanh thu, mức lợi nhuận gộp mà doanh nghiệp này có được còn gần 61 tỷ đồng trong quý III, bằng chưa tới 18% cùng kỳ.

Đáng chú ý là kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính của Hùng Vương tăng mạnh lên 134 tỷ đồng, tăng gấp 4,8 lần cùng kỳ trong khi chi phí tài chính (mà chủ yếu là chi phí lãi vay) lại giảm đáng kể, giảm gần 58% chỉ còn gần 67 tỷ đồng. "Vua cá" Dương Ngọc Minh đang trải qua thời gian khó khăn trong hoạt động kinh doanh, buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ để khắc phục lỗ luỹ kế và giảm nợ vay

"Vua cá" Dương Ngọc Minh đang trải qua thời gian khó khăn trong hoạt động kinh doanh, buộc phải tái cơ cấu mạnh mẽ để khắc phục lỗ luỹ kế và giảm nợ vay

Nhờ đó, trong quý III năm tài chính này, doanh nghiệp của đại gia Dương Ngọc Minh đã có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có khoản lỗ khác hơn 21 tỷ đồng nên đã kéo sụt tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Hùng Vương xuống còn hơn 2 tỷ đồng.

Dẫu vậy, do mức lỗ nặng quý II, tính chung 9 tháng đầu năm tài chính 2018, Hùng Vương vẫn lỗ hơn 311 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 366 tỷ đồng. Con số này đưa lỗ lũy kế của “vua cá tra” đến 30/6/2018 gần 646 tỷ đồng.

Theo bảng cân đối kế toán, trong 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Hùng Vương đã giảm hơn 5.606 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 40% và hiện đạt mức 8.270 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 3.766 tỷ đồng và tài sản dài hạn giảm hơn 1.840 tỷ đồng.

Tỷ phú đô la Trần Bá Dương bất ngờ bỏ hơn 2.200 tỷ đồng “cứu” bầu Đức

Ông Đoàn Nguyên Đức vừa ký thông qua nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phân phối 221.688 trái phiếu chuyển đổi của công ty này với tổng giá trị phát hành hơn 2.216 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco).

Theo ghi nhận của Forbes, ông Trần Bá Dương là người giàu thứ 3 Việt Nam

Trái phiếu chuyển đổi mà HAGL Agrico chào bán có thời hạn 1 năm, lãi suất 0% và không được bảo lãnh. Giá chào bán 10 triệu đồng/trái phiếu; tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.000 (tức 1 trái phiếu chuyển đổi sẽ được đổi thành 1.000 cổ phiếu tại thời điểm chuyển đổi) với giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP