Trong nước

62 người chết và mất tích trong mưa lũ

Thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) cho biết, tính đến 13h ngày 11/10, mưa lũ đã làm 40 người chết, 22 người mất tích, 21 người bị thương. Ngoài ra, mưa lũ còn làm hơn 200 ngôi nhà bị sập, gần 17.000 ngôi nhà bị ngập và gần 800 nhà phải di dời khẩn cấp...

Quang cảnh cuộc họp.

Sáng nay (12/10), tạ Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức cuộc họp để ứng phó với mưa lũ tại các tỉnh từ Bắc miền Trung trở ra các tỉnh miền núi phía Bắc

Thông tin tại cuộc họp, thiệt hại bước đầu do mưa lũ tính đến 13h ngày 11/10 như sau:

Người chết: 40 người (Sơn La: 5 người, Yên Bái: 4 người, Hòa Bình: 15 người, Thanh Hóa: 8 người, Nghệ An: 8 người);

Người mất tích: 22 người (Sơn La: 3 người, Yên Bái: 11 người, Hòa Bình: 3 người, Thanh Hóa: 4 người, Quảng Trị: 1 người);

Người bị thương: 21 người (Sơn La: 3 người, Yên Bái: 7 người, Thái Bình: 6 người, Hòa Bình: 2 người, Thanh Hóa: 3 người).

Mưa lũ còn làm 217 nhà bị sập; Nhà bị hư hỏng, thiệt hại: 1059 nhà; Nhà bị ngập: 16.740 nhà; Nhà phải di dời khẩn cấp: 791 nhà.

Sự cố đê điều: Tại Thanh Hóa: Tuyến đê tả Chu bị sạt lở; tuyến đê bao Tế Nông bị vỡ dài 3m; một số đoạn đê tả sông Yên, tả, hữu sông Cầu Chày bị sạt lở, địa phương đã tổ chức xử lý. Sáng 12/10 tiếp tục xảy ra sự cố đê hữu sông Cầu Chày.

Tại Nam Định: Một số tuyến đê, kè bị ảnh hưởng do bão số 10 chưa được xử lý tiếp tục bị sạt lở mái đê.

Lũ quét ở xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, Hòa Bình.

Về Nông nghiệp: Lúa bị ngập, thiệt hại: 8.071 ha; Ngô, hoa màu, rau màu bị ngập, thiệt hại: 30.390 ha; Cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung: 897ha.

Về chăn nuôi: Gia súc bị chết, cuốn trôi: 1.166 con; Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 39.865 con.

Giao thông: Đường quốc lộ: sạt lở và ngập nhiều đoạn trên Quốc lộ 6, 21 đoạn đi qua tỉnh Hòa Bình, sạt lở 02 điểm tại Quốc lộ 217, 15 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, 2 điểm quốc lộ 32 qua Yên Bái, một số điểm quốc lộ 37, 43 qua Sơn La, và nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48, 48B, 48D, 48E qua Nghệ An; ngập nhiều điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48E, có điểm ngập sâu 2-5m (Nghệ An).

Đường tỉnh lộ, huyện lộ: Sạt lở nhiều điểm, ngập sâu từ 0,4 – 1,5m tại các tuyến đường thuộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An gây ách tắc giao thông.

Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê đánh giá thiệt hại, tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông.

Tại cuộc họp trên, đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết: Suốt những ngày qua, lực lượng quân đội đã huy động khoảng 9.000 cán bộ chiến sĩ, cùng với 200 phương tiện về các địa phương cùng nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ.

"Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục phải phối hợp với các địa phương ứng phó và khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tại các địa phương, chúng tôi đã thiết lập các sở chỉ huy, trực tiếp chỉ đạo cho sát tình hình" - đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết.

Đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sau khi áp thấp nhiệt đới vào Biển Đông trong những ngày tới, nhiều khả năng sẽ mạnh lên thành bão, cơn bão số 11 năm 2017. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nên từ ngày mai (13/10), khu vực Trung Trung Bộ sẽ xuất hiện mưa. Bão số 11 được dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực từ Nghệ An - Quảng Trị.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Đức Quang - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết mưa lũ và đặc biệt là cơn áp thấp nhiệt đới đang hoạt động gần Biển Đông.

Ông Quang lưu ý, các địa phương ngoài công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ vừa qua, cũng cần chủ động sẵn sàng các biện pháp ứng phó với cơn áp thấp nhiệt đới được dự báo mạnh lên thành bão sắp tới.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 7h ngày 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 420km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: NCHMF).

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 7h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và còn có khả năng mạnh thêm.

Tác giả: Nguyễn Dương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP