Truyền thống - Phát triển

50 năm Báo Hà Tĩnh: Tìm về ký ức tuổi thơ

Người đàn ông với mái tóc gần như bạc phơ nhìn chằm chằm vào mặt tôi rồi thảng thốt kêu lên: “Cu Nam” đó ư !. Tôi khẽ gật đầu. Đã vợ con gì chưa? Ông hỏi tiếp. Trời ạ! Gần bước vào tuổi “tri thiên mệnh” mà vẫn có người hỏi tôi câu hỏi đó. Mộc mạc và chân tình, tình cảm của những người dân dành cho tôi vẫn vẹn nguyên như thủơ chị em tôi lũn tũn theo các cô chú trong cơ quan đi sơ tán trong những năm chiến tranh ác liệt…

Tôi tìm về xóm Liên Vinh (xưa là xóm 8) xã Thạch Đài trong cái nắng như thiêu như đốt. Cảnh vật thay đổi quá nhiều khiến tôi không thể nhận ra con đường đất nhỏ xưa kia, chỉ có điều tình người vẫn vậy. Ông Nguyễn Văn Ngôn năm nay bước vào tuổi “cổ lai hy” cứ nắm lấy hai tay tôi mà lắc, thi thoảng lại xuýt xoa rồi nói “Thằng cu Nam nay đã lớn như thế này ư. Nghịch lắm, tao nhớ ngày xưa mày cứ ngồi lên con ngựa gỗ mà phi rồi la hét liên mồm”. Những giọt nước mắt ứa ra trên khóe mắt người nông dân suốt một đời lam lũ với ruộng đồng. Quá khứ về những năm tháng khốc liệt của chiến tranh trong ông chợt hiện về…


Sau trận chiến đấu mở màn ngày 26/3/1965, theo chủ trương của tỉnh, tất cả các cơ quan trong tỉnh phải sơ tán về vùng nông thôn để bảo toàn lực lượng. Cơ quan báo lần lượt được sơ tán về các xã: Thạch Tân, Thạch Đài (Thạch Hà), Thanh Lộc (Can Lộc) rồi trở về Thạch lưu cho gần với nơi sơ tán của Tỉnh ủy để sớm nhận được sự chỉ đạo. Cuộc sống vốn yên bình của người dân xóm 8 – xã Thạch Đài đầu năm 1966 bỗng trở nên xáo trộn khi lần lượt đón nhận các nhà báo về sơ tán.


Gia đình ông Chí, ông Ngân, ông Vân, ông Thế… lần lượt xếp gọn lại từng gian phòng để nhường chỗ cho gần 20 cán bộ phóng viên báo Đảng. Ngoài công việc đồng áng, các hộ còn tranh thủ thời gian giúp đỡ các nhà báo đào hầm dựng lán trại. Dưới gian phòng khách của gia đình ông Ngôn là một căn hầm chống bom bi khá rộng được đào sẵn nhường riêng cho cả gia đình phóng viên Đoàn Thị Chính cùng bố chồng và hai con thơ. Nơi đây, đôi khi là chỗ cho các nhà báo đến nghe đài radio và tác nghiệp vào ban đêm bởi bấy giờ đỏ đèn là điều tối kỵ.


Trong ký ức của nhiều nhà báo thế hệ trước thì trong những ngày sơ tán, Thạch Đài và Thạch Lưu là hai địa chỉ được lưu lại dài ngày nhất. Đó cũng là nơi tình cảm giữa những người dân và cán bộ phóng viên gắn bó với nhau khăng khít và thân thiết như người thân ruột thịt. Để rồi từ đó mối quan hệ tương hỗ lần lượt nảy sinh.


“Khổ, thiếu trong thời khắc đó là điều hiển nhiên nhưng điều đáng quý là củ khoai, củ sắn hay mới rau đậu luộc là không thể thiếu mà người dân 2 xã dành cho các nhà báo. Không những vậy, đôi khi hái được nắm chè họ còn dành gửi về cho gia đình. Những nghĩa cử cao đẹp này chính là nguồn cảm hứng và nguồn động viên chúng tôi xông ra trận địa để cho ra những bài báo, những tin tức nóng hổi nhất về trận chiến”, nguyên Tổng Biên Tập Báo Hà Tĩnh Trần Văn Trạc bồi hồi nhớ lại.


Cũng vì mối quan hệ gắn bó mật thiết mà nhà báo Công Sách quê Đức Thọ đã bén duyên cùng cô thôn nữ tên Thu và sau này họ trở thành vợ chồng và có với nhau 3 người con.


Có thể nói, chưa bao giờ tình cảm của hậu phương lại dành cho người ở tiền tuyến trở về lại sâu nặng như những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Ngoài công việc chuyên môn, cán bộ phóng viên Báo Hà Tĩnh còn là cầu nối và là “bà mối” cho những mối tình hậu phương – tiền tuyến. Chàng trai Nguyễn Văn Ngôn, Nguyễn Văn Ty là hai trong số đó. Cho đến nay, ông Nguyễn Văn Ty vẫn nhớ như in những gì xảy ra hơn 40 năm trước. Ông nói: “Đám cưới xong chỉ khoảng 30 phút sau tôi phải vội vàng rời xa người vợ trẻ để kịp chuyến tàu vào Nam. Trước đó để tổ chức được đám cưới, cả cơ quan phải huy động kinh tế tổng lực. Người cho phiếu vải, người biếu cân đường gói thuốc… Giản dị nhưng ấm cúng và vui đáo để”


Tôi may mắn hơn các thế hệ cha anh đồng nghiệp là không phải tác nghiệp trong điều kiện thiếu thốn về trang thiết bị và kham khổ về ăn ở dưới làn mưa bom bão đạn. Nhưng trong ký ức non nớt của một đứa trẻ lũn tũn theo cơ quan báo đi sơ tán tiếng gầm rú của máy bay, của những khẩu pháo nhả đạn vẫn gây cho tôi nỗi ám ảnh và khiếp đảm. Năm 1967, giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc. Hà Tĩnh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của những trận đòn thù và xóm 8 Thạch Đài lại trở thành nạn nhân. “Cả gia đình ông Trương Quang Năm 11 người, chỉ 1 người duy nhất sống sót sau một đợt bom máy bay Mỹ trút xuống. Gia đình ông Huỳnh có 2 người chết, 3 người gia đình ông Quán đã thiệt mạng sau đó trọng một trận oanh kích. Đó là vào đầu năm 1967”, ông Nguyễn Văn Ngôn bàng hoàng nhớ lại…


Xã Thanh Lộc (Can Lộc) năm 1967 dân số cơ học tăng đột biến so với 3000 con số cũ. Đó là thời điểm các cơ quan: Báo Hà Tĩnh, Hội LHPN, Tỉnh đoàn… đến trú chân nhằm tránh giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Cách Ngã 3 Đông Lộc chừng 9 km và cách dốc Đậu Liêu 5 km – những địa danh là nơi túi bom giặc trút xuống. Làng Yên Mỹ (nay là xóm 2) dưới chân núi Cài được coi là an toàn khu cho các nhà báo tác nghiệp. Trong ký ức của người đàn ông ở tuổi “cổ lai hy” Nguyễn Đình Liên thì, gian khổ và vất vả lắm!


“Các nhà báo như: Võ Trọng Cúc, Đinh Nho Liêm, Thanh Đàm, Phan Thân cư trú tại các hộ gia đình: ông Phan Bơ, bà Xuân Thái, cố Liên đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp. Nhiều lúc thấy nhà báo Trần Đình Hứa đi lấy tin tức về, bụng đói meo, tôi phải nhịn ăn để dành phần cho nhà báo có sức đi… “chiến đấu”. Phải nói dối là mình đã ăn no ông ấy mới chịu ăn”, ông Liên thành thật chia sẻ.


Bà Đoàn Thị Chính nhớ lại: “Từ năm 1969 -1973, Báo Hà Tĩnh sơ tán về xóm Thanh Bắc, xã Thạch Lưu (nay là khối phố 2 thị trấn Thạch Hà) và đó là khoảng thời gian đứng chân lâu nhất của cơ quan. Trước đó, báo đã tạm thời về sơ tán một khoảng thời gian không dài ở xóm Thanh Đông”.


Xóm Thanh Bắc đón tôi bằng con đường bê tông nhựa khá rộng. Không gian bao bọc xung quanh đã đổi thay khiến tôi không thể nhận ra nơi tuổi thơ tôi từng gắn bó. Thế rồi nét quen thuộc vẫn hiện ra với hai hàng tro được các loại cây thang cây bứa bao bọc trong vườn nhà ông Nguyễn Duy Vinh (thường gọi là ông bà Khang) chính là lối đi về trong những ngày theo các cô chú đi sơ tán.


Người đàn ông tôi quen mặt với đầu tóc gần như bạc phơ nhìn tôi chằm chằm khi tôi bước nhân vào nhà chợt hốt hoảng kêu lên: Cu Nam đó ư!. Tôi khẽ gật đầu. Rồi ông hồn nhiên hỏi tiếp: Đã vợ con gì chưa?. Gần tuổi “tri thiên mệnh” vẫn có người hỏi tôi câu hỏi đó. Đã hơn 40 năm, cử chỉ ánh mắt của người đàn ông nơi mình và các thế hệ động nghiệp đi trước đến đứng chân vẫn ấm áp như thủa nào. Tôi chợt cảm thấy day dứt và hổ thẹn với chính mình về sự trở lại muộn màng.


Gần nửa thế kỷ trôi qua, Báo Hà Tĩnh đã có nhiều đổi thay mạnh mẽ trong sự phát triển đi lên . Và trong bước trưởng thành ấy không thể không nhắc đến những tình cảm, những nghĩa cử và sự hy sinh che chở và đùm bọc của những người dân trong những năm tháng chiến tranh gian nan và khốc liệt. Kỷ niệm ngày thành lập 50 năm, những người làm báo chúng tôi một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự cồng hiến về vật chất và cổ vũ tinh thần của người dân những nơi cưu mang và đùm bọc các nhà báo, đồng thời nhắc nhở, giáo dục các thế hệ nhà báo trẻ nhớ lại quá khứ.


Hoài Nam

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP