Giáo dục

4.000 giáo viên có nguy cơ mất việc, lỗi tại đâu?

Trước phản ánh của nhiều giáo viên hợp đồng đang công tác trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nguy cơ mất việc ngay sau khi kết thúc năm học 2017-2018, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với cơ quan chức năng để làm rõ sự việc.

Những nỗi buồn không dám kể với ai

Cô giáo Đ.T.M tốt nghiệp một trường ĐH Sư phạm ở Hà Nội năm 2010, với niềm mong mỏi cống hiến cho quê nhà, M. trở về quê nhà Hải Dương gạt bỏ đi nhiều cơ hội đến với cô ở Hà Nội mà nhiều người mong muốn. Sau khi về quê, M. xin được làm giáo viên môn Văn tại một trường bán công trên địa bàn tỉnh.

Suốt những năm sau đó, cô M. luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và đạt được danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Tưởng chừng như sẽ được sống mãi với đam mê của mình, thì mới đây cô M. bất ngờ nhận được thông tin rằng mình đang đứng trước nguy cơ mất việc khi năm học này kết thúc.

Cô M. cho biết: “Năm 2016, sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi tuyển viên chức trên địa bàn toàn tỉnh, chúng tôi tham gia thi cùng tất cả giáo viên trẻ mới ra trường, các giáo viên ở các trường ngoài có nguyện vọng mà trường họ đang giảng dạy không có chỉ tiêu”.

Nhiều giáo viên có nguy cơ mất việc. (Ảnh minh họa)

Kể về kỳ thi này, cô M. cho hay: “Dù công tác lâu năm, dù có thành tích (bản thân tôi đã tham gia kỳ thi giáo viên giỏi tỉnh môn Ngữ Văn và được công nhận là giáo viên giỏi cấp THPT) nhưng chúng tôi không được bất kỳ một sự ưu tiên nào dù là nhỏ nhất. Sau kỳ thi, trường chúng tôi có sự xáo trộn khá nhiều. Những giáo viên trong trường bị thay thế bởi giáo viên bên ngoài, sinh viên mới ra trường. Có người bị cắt hợp đồng, còn lại hợp đồng theo tiết với số tiền 50.000/tiết và không được đóng bảo hiểm xã hội”.

“Dù khó khăn nhưng tôi cùng với nhiều người khác vẫn cố gắng khắc phục để có thể cống hiến phần nào đó cho ngành giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, ngày 29/12/2017, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hải Dương có công văn rà soát, sắp xếp lại toàn bộ cơ cấu trong đó cắt toàn bộ giáo viên hợp đồng vượt số lượng chỉ tiêu tỉnh giao. Nhưng vấn đề đặt ra là theo cơ cấu của Bộ, trường tôi là trường loại 2 gồm 24 lớp. Theo đó cơ cấu các môn sẽ là 61 giáo viên. Nhưng hiện tại trường tôi có 57 biên chế (gồm cả văn phòng, thủ quỹ, kế toán và ban giám hiệu). Vậy theo tinh thần công văn của tỉnh, số phận chúng tôi nói riêng và hơn 4.000 giáo viên hợp đồng trong tỉnh sẽ đi về đâu?”, cô M. trầm tư.

Nói đến đây, cô M. không giấu nổi những giọt nước mắt, cô nghẹn ngào: “Tôi không dám kể với bất kỳ ai chuyện này, chồng, con hay bố mẹ. Bởi tất cả mọi người vẫn luôn nghĩ rằng tôi đang công tác tốt với niềm đam mê của mình. Chúng tôi sẽ phải từ bỏ con đường mình đã chọn để tìm một hướng đi mới trong mặc cảm, xót xa hay sao?”.

Rơi vào hoàn cảnh như cô giáo M., thầy Sơn, một giáo viên mà theo như lời một cán bộ sở GD&ĐT Hải Dương nói với chúng tôi là một người thầy giỏi, đạt nhiều thành tích trong những năm còn công tác. Cụ thể, vị cán bộ này nói: “Thầy Sơn mặc dù là giáo viên ở một lớp chủ yếu là học sinh yếu, nhưng với tâm huyết của mình Sơn đã bồi dưỡng và giúp cho 1 em học sinh của mình đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn”.

Sau kỳ thi viên chức năm 2016, thầy Sơn không đỗ và bị cắt hợp đồng. Thầy Sơn sau đó đã phải từ bỏ nghề và chuyển sang làm công nhân cho một nhà máy trên địa bàn tỉnh.

Thầy Sơn, cô M. chỉ là một trong số rất ít giáo viên khác cùng hoàn cảnh mà chúng tôi đã gặp khi về Hải Dương. Tôi nhớ như in một loạt câu hỏi mà cô Huyền – GV Hóa của một trường cấp 3 nói với chúng tôi: “Lỗi tại đâu? Việc đào tạo tràn lan của các trường Sư phạm? Tỉnh nhà quá cứng nhắc? Hay cơ chế tuyển dụng còn nhiều kẽ hở?”.

UBND tỉnh quá cứng nhắc?

Để tìm hiểu sự việc, PV đã liên hệ với sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương. Trả lời PV, ông Đỗ Duy Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ giải thích nguồn cơn của sự việc. Ông nói: “Việc 4.000 giáo viên dạng hợp đồng tại Hải Dương có nguy cơ mất việc trong thời gian tới là có thật. Việc này bắt nguồn từ Công văn số 1638 của UBND tỉnh về việc thực hiện thông báo kết luận Công văn số 728 của UBND tỉnh Hải Dương về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2018. Nội dung của thông báo đó, có việc tinh giản biên chế và số lượng người làm việc. Trong đó, có một yêu cầu là các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, bao gồm cả ngành giáo dục không được ký hợp đồng vượt quá quy định đã được giao”.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết, nếu thực hiện như vậy thì sẽ khó cho ngành giáo dục của tỉnh: “Năm học 2017-2018 này toàn tỉnh tăng 9.000 học sinh so với năm học cũ. Thế nhưng số lượng người làm việc lại áp dụng từ 2017, số lượng người làm việc giao từ năm học trước. Theo chủ trương chung thì không được tăng quy mô (lớp, giáo viên). Điều đó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục trên địa bàn”.

Khi được hỏi về việc nếu thực hiện như thế sẽ bị ràng buộc vào các quy định khác như: Điều lệ các trường học, định biên số giáo viên trên lớp học... ông Hưng nói: “Chắc chắn là ảnh hưởng, nhưng vì giảm biên chế không cho tăng nên chúng tôi phải thực hiện”.

Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc sở GD&ĐT Hải Dương. Ảnh Công Luân

Cũng liên quan đến việc thực hiện Công văn 1638 của UBND tỉnh Hải Dương, ông Vũ Văn Lương – Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho biết là hiện tải Sở đang yêu cầu các phòng, trường rà soát lại số lượng giáo viên và việc thực hiện sẽ phải sau khi năm học này kết thúc.

Giám đốc sở GD&ĐT Hải Dương cũng thừa nhận những bất cập, khó khăn khi phải cắt giảm giáo viên. Cụ thể ông nói: “Nếu cắt giảm giáo viên hợp đồng mà số lượng học sinh lớn thì phải bố trí thêm giáo viên để dạy thêm, điều này rất khó khăn vì sẽ bị ràng buộc bởi các quy định khác nữa”.

Đồng thời người đứng đầu sở GD&ĐT Hải Dương cũng khẳng định sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để có phương án hợp lý nhất cho việc này.

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Khi thực hiện Nghị Quyết TW 6 các địa phương cần linh động không nên quá cứng nhắc, đặc biệt là đối với ngành giáo dục. Chúng ta không thể cắt giảm giáo viên nếu như không thừa, vì như thế sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP