Giáo dục

231 cái tát học trò và câu hỏi về chất lượng đào tạo giáo viên

Câu chuyện cô giáo ở Quảng Bình cho học sinh tát bạn khiến dư luận đặt câu hỏi về chất lượng giáo viên và việc dạy đạo đức trong đào tạo sư phạm.

Không phải đến bây giờ khi câu chuyện cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái gây rúng động dư luận, xã hội mới đặt câu hỏi về đào tạo sư phạm. Trước đó, chỉ trong tháng 4, Bộ GD&ĐT đã 6 lần có chỉ đạo “yêu cầu xử lý nghiêm” sau các vụ việc liên quan học sinh - giáo viên, cô giáo - phụ huynh.

Đào tạo giáo viên tràn lan, chất lượng kém

Theo TS Trần Thành Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, lâu nay, đào tạo sư phạm không có môn học cụ thể về giáo dục đạo đức sinh viên, chỉ có một số học phần nói về đạo đức và chỉ tập trung lý thuyết.

Khi hoàn thành chương trình sư phạm, sinh viên có mấy tháng thực tập trước khi trở thành giáo viên chính thức. Những giờ thực tập này, các bạn tập trung chủ yếu chuyên môn, chưa chú trọng việc ứng xử tình huống sư phạm, chưa được đánh giá về đạo đức. Do đó, nhiều người nghĩ giáo dục học sinh bằng cách áp đặt, quát mắng là bình thường như việc họ mắng, đánh con ở nhà.

TS Trần Thành Nam cho hay chương trình đào tạo phải chú ý những phẩm chất cho giáo viên. Ảnh minh họa: L.H.

Thậm chí, nhiều người tin rằng đánh mắng trẻ thể hiện sự quan tâm, là chiến lược giáo dục. Với hình phạt nhẹ, trẻ không nghe lời, còn tái phạm, họ phải phạt nặng hơn, nhiều hơn mới có hiệu quả.

TS nam khẳng định ngành giáo dục đặt sự quan tâm “dạy người” thì chương trình đào tạo giáo viên phải chú trọng hình thành những phẩm chất cho “người dạy người”.

Tại hội thảo “Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên hiện nay: Thực trạng và giải pháp”, diễn ra ở Hà Nội dịp 20/11 vừa qua, PGS.TS Tô Bá Trượng - Viện Nghiên cứu Hợp tác và Phát triển Giáo dục - đã đưa ra nhiều số liệu. Ông cho hay việc đào tạo của giáo viên chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Năm 2000, Việt Nam hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, giáo viên thở dài như trút đi gánh nặng. Từ năm 2001, chúng ta tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở, làm tăng số lượng học sinh, giáo viên.

Trong 10 năm (từ 2000-2010), số trường cao đẳng và đại học tăng 4 lần. Một loạt trường trung cấp được chuyển thành cao đẳng, cao đẳng lên đại học trong khi chưa đủ điều kiện.

Theo báo cáo ngày 29/2/2016 tại hội nghị toàn quốc các trường sư phạm, cả nước có 123 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Hiện tại, theo thống kê của Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT, cả nước có 1,3 triệu giáo viên và cán bộ quản lý các cấp. Việc mở rộng đào tạo giáo viên dẫn đến tình trạng thừa thiếu tràn lan.

Điều đáng nói, đến năm 2005-2006, sinh viên học hệ chính quy ở các cơ sở sư phạm chiếm 40%, còn lại là các cơ sở đào tạo từ xa, chuyên tu, vừa học vừa làm, tại chức.

Trong số này, 88,5% sinh viên học ở các trường cao đẳng có khoa sư phạm. Số sinh viên học không chính quy là 49,9% và nhiều nhất là hình thức học tại chức và từ xa. Vì vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp ở các trường có bằng nhưng yếu về kỹ năng sư phạm

Nên có kỳ thi sát hạch giáo viên

Cũng trong tài liệu do hội thảo cung cấp, TS Tiêu Thị Mỹ Hồng, ĐH Sư phạm Hà Nội, đề nghị Bộ GD&ĐT mạnh tay xóa bỏ những khoa, trường sư phạm có năng lực yếu.

“Việc này rất khó và nghe thiếu nhân văn nhưng thà chịu đau một lần, cắt đi những chỗ thừa, bệnh tật để có cơ thể khỏe mạnh, đẹp đẽ, còn hơn để nó tồn tại dai dẳng, làm yếu cơ thể giáo dục”, TS Hồng nói.

Ngoài ra, bà Hồng đề xuất tách lương nhà giáo ra khỏi hệ thống lương hành chính. Giáo viên nên có chế độ lương riêng, phù hợp, xứng đáng năng lực của mình. Hiện nay ở Singapore, học sinh phổ thông xuất sắc sẽ được chọn để học sư phạm với mức đãi ngộ cao và con đường phát triển rộng phía trước.

Nữ tiến sĩ cũng cho rằng giáo viên nên được cấp giấy phép hành nghề tương tự bác sĩ, luật sư. Tại Pháp, sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm hay tổng hợp đều phải đạt điểm cao trong kỳ thi sát hạch được tổ chức minh bạch mới đủ tiêu chuẩn vào biên chế giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, thực hiện điều này cần có điều kiện đảm bảo chất lượng, cũng như chính sách đãi ngộ cho nhà giáo tương xứng.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, việc cải thiện mối quan hệ giữa học sinh - giáo viên cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường. Hoạt động này giúp phòng ngừa các vụ việc đẩy học sinh và giáo viên đến bất lực hay cản trở quá trình phát triển của học sinh trong trường học, hành vi bạo lực học đường.

Tài khoản Facebook Nguyễn Khánh Phương phản đối chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm.

“Điểm đầu vào thấp, học thì miễn phí, nhiều sinh viên không có động lực, không có ý thức, tư cách dạy dỗ con nhà người ta sau này. Thế nên, hãy để mọi thứ công bằng, nếu ưu ái hãy tăng học bổng và tuyệt đối không tuyển dụng những sinh viên sư phạm tốt nghiệp từ trung bình trở xuống”, người này nêu quan điểm.

Nhiều cư dân mạng cũng đồng tình với việc trong bối cảnh hiện nay, sinh viên học lực từ trung bình trở xuống là rất kém, không có đam mê, trách nhiệm, thiếu năng lực đứng trên bục giảng.

Tác giả: Quyên Quyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP