Kỳ Anh

214 giáo viên mất việc ở Kỳ Anh: Hợp đồng có được nhờ ‘bôi trơn’?

Qua tìm hiểu sự việc 214 giáo viên bị mất việc, nhiều người trong số này chia sẻ, để có một suất vào dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn, một số giáo viên đã phải bỏ ra một khoản phí “bôi trơn”.

>> Kỳ Anh: Giọt nước mắt cô giáo bị cắt hợp đồng sau 12 năm đi dạy

Trước đó, như đã phản ánh, việc 214 giáo viên ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa bị đồng loạt cắt hợp đồng ngay trước ngày khai giảng đang khiến dư luận bức xúc.

hatinh24h 01

Trước tình thế này, 214 giáo viên này đã gửi đơn kêu cứu tập thể đến Bộ Nội vụ, Bộ GD – ĐT và các cơ quan báo chí.

Sự việc đã khiến cuộc sống của những giáo viên này bị đảo lộn, tâm lý bị khủng hoảng. Được biết, trong số 214 giáo viên này có nhiều người có thâm niên đứng trên bục giảng 10 – 12 năm, từng bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, có kinh nghiệm và được nhà trường, học sinh tin tưởng. Có gia đình cả 2 vợ chồng đều là giáo viên hợp đồng và đều nằm trong danh sách bị chấm dứt công việc.

Điều đáng nói, trong quá trình tìm hiểu sự việc này, một số giáo viên bị cắt hợp đồng đã chia sẻ: Để có được một suất vào dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn, họ đã phải bỏ ra một khoản tiền từ 40 – 50 triệu đồng, nhiều hơn là 100 triệu đồng để làm phí “bôi trơn”.

 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: Hợp đồng có được nhờ 'bôi trơn'? - Ảnh 1

Cô N.A cho biết, những chi phí quà cáp, nước nôi, đi lại là điều không tránh khỏi khi được ký hợp đồng

Cô H.T.N.A, một trong số 214 giáo viên bị cắt hợp đồng chia sẻ: Với những sinh viên sư phạm mới ra trường, để có thể vào công chức là rất khó, do vậy họ chỉ có thể xin dạy hợp đồng tại các trường. Một số giáo viên như N.A đã phải bỏ ra 40 – 50 triệu để lo lót, làm phí “bôi trơn” mới vào dạy hợp đồng được. Riêng cá nhân N.A., dù không mất tiền chạy và lo lót nhưng chi phí quà cáp thì vẫn phải có.

“Mất tiền lo lót mà công việc ổn định thì đã đành nhưng đã mất tiền mà sau nhiều năm công tác đùng một cái lại bị chấm dứt hợp đồng. Riêng tôi, khi sự việc xảy ra, đã thật sự rất sốc và khủng hoảng tinh thần. Nhiều năm theo nghề, dù là giáo viên hợp đồng nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc, chưa lúc nào lơ là. Không biết rồi đây tôi sẽ sống như thế nào khi việc làm không có, chồng thất nghiệp và con còn quá nhỏ”, cô N.A. tâm sự.

Được biết, cô N.A. đã có thời gian công tác là 4 năm. Trong 4 năm này, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và đã có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn, Đội tại trường. Ngày nhận thông tin bị cắt hợp đồng, cô cũng ngỡ ngàng không hiểu lí do vì sao. Cũng theo cô N.A., trong buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo huyện Kỳ Anh và 214 giáo viên bị cắt hợp đồng vào chiều ngày 25/8, lãnh đạo huyện giải thích, việc ký hợp đồng với các giáo viên trước đó là việc làm sai của huyện nên bây giờ huyện đang sửa sai. Sau đó, lãnh đạo huyện động viên, cảm ơn và khuyên những giáo viên này hãy xem những năm công tác trước đây như chưa có và bắt đầu lại bằng các ngã rẽ mới.

“Giảng dạy 4 – 5 năm trên bục giảng mà nay bảo chúng tôi xem như chưa có gì thì sao chúng tôi làm được. Bản thân tôi và các đồng nghiệp đều được đào tạo chính quy tại các trường sư phạm, nay với kinh nghiệp lâu năm mà nói rẽ sang con đường khác thì thử hỏi chúng tôi sẽ rẽ hướng nào. Học sư phạm ra trường, chúng tôi cũng chỉ muốn cống hiến đúng với ngành nghề mà mình đã học”, cô N.A nói.

Cũng cùng tâm sự như cô N.A., cô N.T.N.P (SN 1989), giáo viên vừa bị cắt hợp đồng cùng đợt này cho biết, trên thực tế, trong số 214 giáo viên bị cắt hợp đồng, một số người đã phải bỏ tiền chạy vạy, lo lót và “bôi trơn”. “Bản thân tôi khi ký hợp đồng thì không mất tiền “bôi trơn”, tuy niên việc có tiền quà cáp, nước nôi và đi lại này nọ là điều không tránh khỏi”, cô N.P chia sẻ.

 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: Hợp đồng có được nhờ 'bôi trơn'? - Ảnh 2

Cô N.T.N.P chia sẻ với PV

Sau khi bị chấm dứt hợp đồng, cô N.P và đồng nghiệp đều rất buồn và cảm thấy tủi thân. Những ngày này của năm trước thì đang bận rộn cho khai giảng, tập văn nghệ đầu năm còn năm nay cô chỉ loanh quanh ở trong nhà mà không dám ra ngoài. Nhiều người hiểu chuyện thì họ động viên, còn một số người không biết chuyện lại cho rằng các cô không hoàn thành tốt công việc nên bị đuổi.

Đứng trước “bước ngoặt cuộc đời”, cô N.P và những đồng nghiệp còn lại đều lo lắng, băn khoăn không biết sẽ phải làm gì, gia đình họ phải sống như thế nào.

 214 giáo viên mất việc ở Hà Tĩnh: Hợp đồng có được nhờ 'bôi trơn'? - Ảnh 3

Nỗi buồn hằn trên gương mặt những giáo viên bị chấm dứt hợp đồng

Nếu thực sự để có được hợp đồng công tác tại các trường trên địa bàn, các cô giáo phải có phí “bôi trơn” thì bây giờ, họ thực sự đang trong cảnh “tiền mất tật mang”. Nhiều giáo viên ngẹn ngào khi bị huyện Kỳ Anh chấm dứt hợp đồng mà không biết kêu ai.

Những giáo viên này khi được hỏi đều bày tỏ nguyện vọng tha thiết được tiếp tục giảng dạy. Nếu có đợt tuyển dụng, họ đều mong rằng sẽ được ưu tiên bởi những người này đã có kinh nghiệm, có nhiều năm cống hiến và luôn tận tâm với nghề.

Linh Chi – Anh Ngọc / Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP