Chăm sóc sức khỏe

18 y – bác sĩ phơi nhiễm HIV sau ca cấp cứu: Tai nạn nghề nghiệp

Bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng thập tử nhất sinh, chảy máu nhiều, chỉ chậm vài giây có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Với tấm lòng cao cả, các y-bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã quên mình cứu chữa bệnh nhân ngay tại phòng cấp cứu mà không kịp có trang bị phòng hộ. Sau ca cấp cứu, 18 y-bác sĩ đã bị phơi nhiễm virus HIV.

Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân N.T.H. Ảnh: L.HÀ

Ca cấp cứu nhớ đờiGần một tuần sau ca phẫu thuật cấp cứu cho một ca cấp cứu đặc biệt, tiếp chuyện với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – vẫn còn bối rối: Ca cấp cứu đặc biệt xảy ra vào ngày 4.7 vừa qua. Chị N.T.H đang trên đường từ Quảng Ninh về thăm quê ở Hà Nội đã có biểu hiện xuất huyết âm đạo và ngất xỉu. Đi cùng chị trên chặng đường dài là cậu con trai. Cậu nhanh trí gọi điện cho người thân và cùng đưa mẹ vào cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Khi vào cấp cứu, chị N.T.H trong tình trạng da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập và rất nguy kịch.

“Với những bệnh nhân mang thai có HIV, bệnh viện tiếp xúc là chuyện bình thường. Bệnh viện có Khoa Truyền nhiễm dành cho những người mang HIV. Nhưng trường hợp bệnh nhân N.T.H nhập viện trong tình trạng tim đã ngừng đập, máu chảy không ngừng, sinh mạng như ngàn cân treo sợi tóc, chúng tôi phải huy động 18 y, bác sĩ từ các khoa phòng xuống phòng cấp cứu để giành giật sự sống cho bệnh nhân” – TS Ánh nói.

Ngay lập tức, bệnh nhân được ép tim ngoài lồng ngực, hồi sức cấp cứu ngay tại phòng khám, không kịp di chuyển vào phòng phẫu thuật.

Sau khi cấp cứu và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại nhưng máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng nên các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu. Bệnh nhân phải truyền 4 lít máu.

Ca phẫu thuật kết thúc tốt đẹp cũng là lúc có kết quả xét nghiệm của bệnh nhân. Tất cả nhân viên y tế tham gia kíp phẫu thuật lo lắng trước thông tin: Bệnh nhân dương tính với HIV.

Sức khỏe bệnh nhân H (trái ảnh) sau ca cấp cứu đã phục hồi.  Ảnh: L.HÀ 

“Do ca cấp cứu đặc biệt, các y, bác sĩ không còn thời gian mặc thêm những bộ trang phục bảo hộ đặc biệt và đeo kính phòng vệ cho bản thân. Tại phòng khám không có trang bị phòng hộ đặc biệt bởi đây chỉ là khu vực khám cấp cứu rồi chuyển đi các bộ phận. Bệnh viện chưa từng gặp một ca cấp cứu như thế này. Người nhà bệnh nhân cũng không thông báo tình hình sức khỏe của bệnh nhân cho bệnh viện.

Thời điểm đó, sinh mạng của bệnh nhân là số một, sự sống nằm trong tay chúng tôi, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ. Chúng tôi chỉ biết hành động theo bản năng người thầy thuốc” – TS Ánh tâm sự. Hiện sức khỏe của bệnh nhân N.T.H đã hồi phục.

Tai nạn nghề nghiệp

TS Nguyễn Duy Ánh cũng chia sẻ rằng: Người ngoài cuộc có thắc mắc tại sao chỉ là trang phục phòng hộ tại sao không mặc vào cho an toàn? Nhưng thời điểm đó, việc mặc đầy đủ trang phục phòng hộ cũng phải mất 1-2 phút trong khi sinh mạng người bệnh chỉ tính bằng giây nên việc cứu người là quan trọng hơn cả. Hơn nữa, thời điểm cấp cứu không ai biết bệnh nhân nhiễm HIV.

“Đây cũng là bài học cho chúng tôi trong việc cứu chữa người bệnh. Ngay sau khi có thông tin về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, 18 y, bác sĩ tham gia cấp cứu và phẫu thuật đã được kiểm tra sức khỏe và xác định có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Tất cả đã được làm xét nghiệm, làm hồ sơ theo dõi và uống thuốc kháng virus dự phòng.

Thời gian 3-6 tháng tới, 18 nhân viên y tế sẽ thực hiện các xét nghiệm định kỳ xem có bị nhiễm HIV hay không. Tuy nhiên, khả năng này rất thấp.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã hỏi thăm, động viên từng nhân viên y tế tham gia ca cấp cứu. Mọi người cần giữ gìn sức khỏe tốt để không tạo cơ hội cho virus HIV tấn công, cũng như có một tinh thần tốt để làm việc. Hiện 18 nhân viên y tế có sức khỏe ổn định và làm việc bình thường” – TS Ánh cho hay.

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP