Kinh tế

17.000 cơ sở kinh doanh ô tô, xe máy 'chết lâm sàng', chờ phá sản

Hơn 17.700 doanh nghiệp là các đại lý, chủ showroom bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy đã phải ngừng hoạt động, chờ phá sản hoặc phá sản, trong đó số cơ sở kinh doanh ô tô chiếm số lượng lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước có khoảng 17.700 doanh nghiệp (DN), đại lý kinh doanh bán buôn, bán lẻ ô tô, xe máy phải tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, con số này tăng hơn 2.00 DN so với cùng kỳ năm trước 2016.

Doanh nghiệp là đại lý xe ô tô, xe máy đang phá sản, chết lâm sàng nhiều nhất cả nước (ảnh minh hoạ)

Đáng lưu ý, tỷ lệ DN tạm ngừng không đăng ký quay trở lại hoạt động (chết lâm sàng) tăng khá mạnh chiếm hơn 11.500 DN, chiếm hơn 42% tổng số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoạt động trở lại trên cả nước.

Về tổng số DN phá sản trong 7 tháng qua, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 6.600 DN, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 92,4% DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

Nếu phân theo loại hình, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên chiếm 41%; công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên gần 30% và công ty tư nhân chiếm 17%, còn lại là công ty cổ phần...

Thực tế, trong thời gian qua thị trường bán buôn, bán lẻ ô tô, xe máy gặp rất nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là phân phối ô tô. Sau Thông tư 20 của Bộ Công Thương về siết chặt kinh doanh xe hơi năm 2006, hết hiệu lực cuối năm 2016, các DN phân phối xe những tưởng sẽ được tháo bỏ "vòng kim cô" về điều kiện kinh doanh đối với xe hơi.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo Nghị định về kinh doanh ô tô mới với nhiều điều kiện ràng buộc kinh doanh xe nhập khẩu, hạn chế lớn quyền tự do kinh doanh. Theo nhiều DN phân phối xe, với những cơ chế quy định rất khắt khe về điều kiện kinh doanh xe nhập khẩu,, nhóm DN nhỏ và vừa phân phối xe hơi sẽ không còn đất sống.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê 6 tháng qua cũng cho thấy, số DN là đại lý, showroom ô tô, xe máy "chết lâm sàng" hoặc phá sản hiện chiếm đến đến hơn 41% số các DN ngừng hoạt động trên cả nước. Đây là một minh chứng cho thấy các DN kinh doanh ô tô trong nước đang gặp khó khăn lớn hơn bao giờ hết.

Về thị trường ô tô Việt Nam, từ đầu năm 2017 đến nay, kinh doanh ô tô trong nước có rất nhiều biến động, giá xe mới nhiều phân khúc giảm liên tục, thấp nhất là 20 - 30 triệu đồng/chiếc; cao nhất có mẫu lên đến 200 triệu đồng/chiếc. Từ các đại lý phân phối chính hãng, uỷ quyền chính hãng đến các đại lý ô tô tư nhân nhỏ lẻ đã và đang bước vào cuộc đua giảm giá khốc liệt để giành thị trường của nhau.

Giá xe mới giảm nhanh, mạnh; chủng loại xe mới ra đời ngày càng đa dạng với mức giá đang "bình dân hoá" hoặc được hỗ trợ vay vốn trên 70% của các ngân hàng. Điều này đã khiến các đại lý kinh doanh xe cũ ở vào thế dồn chân tường, cực kỳ nghẹt thở. Nhiều chủ xe chấp nhận bán xưởng, bán xe để tránh lỗ và trả lãi vay ngân hàng.

Thời kỳ mới của thị trường xe đã và đang khốc liệt hơn đối với dân buôn xe cũ, khiến hàng loạt đại lý với "vốn mỏng, lãi nhà băng dầy" đã và đang phải trốn chạy hoặc chuyển nghề.

Tác giả: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP