Trong nước

“10 năm đặc xá trên 85.000 trường hợp là quá lớn và quá rộng”

Viện trưởng VKSND TPHCM Dương Ngọc Hải cho rằng 10 năm đặc xá cho trên 85.000 trường hợp, hơn 1.100 trường hợp được tạm hoãn và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù là quá lớn và quá rộng, không còn mang ý nghĩa đặc xá là trường hợp ân giảm khoan hồng đặc biệt.

Đại biểu Dương Ngọc Hải - Viện trưởng VKSND TPHCM.

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đặc xá chiều 29/5, đại biểu Dương Ngọc Hải - Viện trưởng VKSND TPHCM dẫn chứng tờ trình của Chính phủ cho thấy trong 10 năm qua, Chủ tịch nước đã 7 lần ký quyết định đặc xá cho trên 85.000 trường hợp, hơn 1.100 trường hợp được tạm hoãn và tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

“Số lượng này quá lớn và quá rộng, không còn mang ý nghĩa đặc xá là trường hợp ân giảm khoan hồng đặc biệt của Chủ tịch nước nữa rồi”- ông Hải nhận định.

Theo ông Hải, nguyên nhân có thể xuất phát từ Luật Đặc xá 2007 “có vấn đề”, quy định điều kiện đặc xá quá dễ dàng, nên áp dụng đặc xá chưa chính xác, chặt chẽ.

“Việc sửa luật, điều kiện đặc xá là cần thiết, nhất là trong điều kiện Bộ luật Hình sự quy định chế định tha tù trước thời hạn - áp dụng thường xuyên, do cơ quan tư pháp áp dụng. Còn đặc xá chỉ áp dụng trong 3 trường hợp (ngày lễ lớn, ngày trọng đại hoặc trường hợp đặc biệt khác do Chủ tịch nước vận dụng). Nếu không khéo sẽ lẫn lộn. Còn nếu quy định quá khó, quá khắt khe sẽ vô hình chung không còn đặc xá. Quy định dễ dãi quá thì trở lại Luật Đặc xá cũ, quá nhiều trường hợp đặc xá” - ông Hải phân tích.

Đưa ra quy định về các trường hợp được đặc xá và không đặc xá được nêu trong dự thảo luật, Viện trưởng VKSND TPHCM phân vân vì nếu không khéo những trường hợp chấp hành phạt tù có công lao xuất sắc nhưng không có điều kiện bồi thường thiệt hại thì không bao giờ được đặc xá.

“Vừa rồi chúng ta xét xử nhiều đại án, yêu cầu bồi thường hàng nghìn tỷ. Nếu đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại mới xét đặc xá thì những đối tượng này sẽ không bao giờ được đặc xá. Nếu không bồi thường, không thực hiện trách nhiệm dân sự thì bị hại không được bảo vệ. Những đối tượng này không thực hiện nghĩa vụ dân sự, khi được đặc xá sẽ dẫn tới hậu quả khó lường”- ông Hải đưa ra tình huống.

Cần thu hẹp đối tượng, đề cao tiêu chuẩn đặc xá

Đại biểu Trần Thanh Mẫn- Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị trong lần sửa này cần bảo đảm tư tưởng chủ đạo là nhằm hạn chế đặc xá, thu hẹp đối tượng, đề cao tiêu chuẩn đề nghị xét đặc xá. Đồng thời quy định cụ thể, minh bạch và chặt chẽ hơn về thủ tục, trình tự, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự, thể hiện đúng bản chất đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành hình phạt tù.

(Ảnh minh hoạ)

“Qua nghiên cứu, tôi thấy khoản 1 Điều 10 dự thảo quy định khá nhiều điều kiện được đề nghị đặc xá, tuy nhiên qua rà soát thấy khá nhiều điểm trùng với Điều 66 của Bộ luật Hình sự về điều kiện tha tù trước thời hạn. Đề nghị ban soạn thảo cần xem xét lại. Hiện nay, thực hiện chính sách khoan hồng được áp dụng thực hiện đồng thời ở nhiều luật; nhưng quan điểm đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt, do đó nên nghiên cứu sửa đổi theo hướng về đối tượng, điều kiện cần bảo đảm sự chặt chẽ, đặc biệt hơn đối với các chính sách khoan hồng khác”-ông Mẫn nêu quan điểm.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam đề nghị dự thảo luật nên có những cơ chế rõ rệt về khuyến khích trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng dịch vụ trên địa bàn, có trách nhiệm hỗ trợ về việc làm, nguồn vốn để người được đặc xá có điều kiện tiếp cận, thực hiện.

Từ những cuộc khảo sát, điều tra, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho biết tỷ lệ tái phạm của những người được đặc xá chiếm tỷ lệ khá thấp, khoảng 1,16%. Tuy nhiên, nhìn trong tổng thể thì con số vẫn còn nhiều và cho thấy rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đoàn thể liên quan.

“Rất nhiều người ngay khi vào tù thì gia đình ly tán, bán nhà bán cửa; đến khi ra tù không biết về đâu cư trú. Tôi cho rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện để họ tránh tái phạm bởi lúc đó lúc đó ranh giới giữa lương thiện và phạm tội rất mong manh. Đặc xá rồi nhưng không đảo bảo tái hoà nhập cộng đồng thì khó đảm bảo kết quả tốt”-ông Đức nêu thực tế.

Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang- ông Hầu Văn Lý lại nhận định, nếu chỉ giới hạn đặc xá vào dịp 2/9 thì không đảm bảo tính thời điểm cần thiết. Cùng quan điểm, đại biểu Lê Tấn Tới - Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, vào những ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại và trong trường hợp đặc biệt được xét đặc xá là rất phù hợp hiến pháp và thực tế. Trước lo ngại đặc xá nhiều dịp trong năm như vậy thì nhiều quá, ông Tới cho rằng điều này thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP