Giáo dục

1 ngành chỉ có 2 sinh viên tốt nghiệp đúng hạn

Thống kê công khai của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM về một khóa học cho thấy có ngành 32 sinh viên nhập học nhưng chỉ 2 em ra trường đúng hạn.

29/31 ngành có sinh viên tốt nghiệp không đúng hạn

Báo cáo công khai cam kết chất lượng đào tạo thực tế của trường này về khóa 38 (2012- 2016) cho thấy có 29/31 ngành có sinh viên tốt nghiệp không đúng hạn.

Trong đó, nhiều ngành tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn khá thấp.

Chẳng hạn, ngành Ngôn ngữ Anh- Nga có 32 sinh viên nhập học nhưng chỉ 2 sinh viên tốt nghiệp đúng hạn.

Ảnh Lê Anh Dũng

Ngành Sư phạm song ngữ Anh- Nga và Sư phạm tiếng Pháp lần lượt có số nhập học là 46 và 42; mỗi ngành chỉ có 13 sinh viên tốt nghiệp đúng hạn.

Ngành Ngôn ngữ Pháp có 29 tốt nghiệp đúng hạn trong khi số nhập học ban đầu là 81. Ngành hóa học là 82 em nhập học và 40 em tốt nghiệp đúng hạn.

Một số ngành khác số sinh viên nhập học và tốt nghiệp không đúng hạn chênh lệch nhau tương đối lớn như Quốc tế học (111-64); Công nghệ thông tin (136-70); Sư phạm tiếng Trung Quốc (17-8); Vật lý học (116-74); Việt Nam học (110-76); Ngôn ngữ Trung Quốc (135-93)…

Trong khóa này, chỉ 2 ngành Sư phạm Vật lý và Sư phạm Ngữ văn có sinh viên tốt nghiệp đúng hạn đạt 100%. Còn thống kê toàn khóa, có 75% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn.

Có nhiều lý do

Trao đổi với VietNamNet, ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết "tốt nghiệp đúng hạn" không phải là tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo. Lý do là khi đào tạo theo tín chỉ, việc tốt nghiệp sẽ được xét nhiều đợt trong năm, miễn là sinh viên tích lũy đủ tín chỉ.

Ngoài ra, sinh viên cũng phải đủ chuẩn ngoại ngữ hay những điều kiện có liên quan về giáo dục thể chất, quốc phòng kể cả việc thực tập và thực tập tốt nghiệp.

Trong thống kê này, nhóm sinh viên ngoại ngữ có số lượng tốt nghiệp đúng hạn rất thấp. Lý do là khi thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, các trường đại học đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ trình độ bậc 3 (tương đương trình độ B1 theo khung tham chiếu châu Âu) đối với sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp.

"Vì vậy, với sinh viên 2 ngoại ngữ, chuẩn ngoại ngữ chính và phụ đều đảm bảo nên thời gian và sự tập trung sẽ là những thách thức cần đáp ứng"- ông Sơn lý giải.

Nêu lý do về sinh viên tốt nghiệp đúng hạn của một số ngành còn lại cũng rất thấp, ông Sơn cho rằng, "không thể so sánh kết luận ít hay nhiều nếu không dựa vào thang đo".

Chẳng hạn, sẽ có nhiều lý do như: sinh viên dừng học sau một số học phần, tạm hoãn học một năm,thực tập nghề nghiệp chưa hoàn tất đúng hạn, thực tập xong muốn làm việc thêm vài tháng, đi du học ngắn hạn hay dài hạn...

Cũng có trường hợpn đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng lại chưa hoàn tất hồ sơ nên sẽ tốt nghiệp đợt 2. Hiện nay, trường xét tốt nghiệp làm nhiều đợt: tháng 5-6, đợt 2 xét tốt nghiệp sau đó vài tháng..

Không được ngụy biện để bỏ cuộc hay lười học

Dù số sinh viên tốt nghiệp không đúng hạn là tương đối lớn, nhưng ông Huỳnh Văn Sơn cho rằng cần có cái nhìn công bằng. Những sinh viên biết tự đánh giá bản thân, xem xét điều kiện và hoàn cảnh, có mục tiêu co giãn, có định hướng xa hơn, quan tâm đến chất lượng khi tốt nghiệp thì sự tổn hại bởi lý do "tốt nghiệp chậm" là không đáng kể.

"Còn nhà trường thì không cho phép sinh viên ra trường khi chưa đủ chuẩn. Quan điểm đầu ra đạt chuẩn là đích đến trong nhà tuyển dụng và người tốt nghiệp"- ông Sơn đưa ra quan điểm.

Có một số ngành có tỉ lệ tốt nghiệp thấp, đặc biệt đối với ngành học cả 2 ngoại ngữ. Vì trong thời gian 5 năm, đòi hỏi vừa có trình độ cử nhân và trình độ cử nhân cao đẳng là không đơn giản.

Mặt khác, trường cũng cần quan tâm nhiều hơn đến định hướng mục tiêu, quản lý thời gian hỗ trợ sinh viên về kỹ năng mềm.

Về phía sinh viên, đầu tiên phải hiểu rõ hơn về việc tích lũy đủ để tốt nghiệp, đây là tiêu chí quan trọng của đào tạo tín chỉ và đào tạo phát triển năng lực mà nhiều trường đang áp dụng xây chuẩn đào tạo. Thứ đến, cần đánh giá bản thân, chọn nghề phù hợp và học tập có mục tiêu rõ ràng, dứt điểm từng chặng. Sinh viên cũng cần nhìn nhận vấn đề mục tiêu chính thức và sẵn sàng, hết lòng cho mục tiêu. Khi học tập cần khai thác tối đa những sự trợ giúp của cố vấn học tập và người am hiểu chương trình đào tạo để định hướng học tập hiệu quả. Ngoài ra, cần khảo sát kỹ và gia tăng tính tự chủ, quản lý thông tin để đạt mục tiêu học tập.

Ngoài ra cần giữ vững quan điểm nếu mục tiêu ra trường đúng hạn không phải là đích đến của mình. Nhanh và đầy hay chậm mà chắc là sự lưa chọn và không thể thay thể bởi con số vô hồ. , Nhưng các bạn sinh viên cũng không được ngụy biện để bỏ cuộc hay lười mãi với từ hứa hẹn”- ông Sơn nhắn gửi.

Tác giả: Lê Huyền

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP